1. Trang chủ >
  2. Luận Văn - Báo Cáo >
  3. Kinh tế - Quản lý >

CHƯƠNG 3: VAI TRÒ VÀ ĐÓNG GÓP CỦA LOẠI HÌNH CÁC NHÂN VẬT TRONG THÁNH TÔNG DI THẢO, TRUYỀN KÌ MẠN LỤC VÀ LAN TRÌ KIẾN VĂN LỤC.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.07 MB, 165 trang )


luận bàn về một đất nước như thế: “Chia nước làm hai, một phần để thái tử cai trị, một phần để

công chúa, nhưng mà từ khi thiên đô dời đến đây, người nhiều của thịnh, công chúa là con gái sợ

không cai trị xiết được” [117,tr60]. Hay đó là cách trù bị phòng ngừa quân địch của nhà vua trong

Mộng ký: “Nhân Tông gặp loạn Nghi Dân. Ta mới lên ngôi, nghĩ đến việc trước mà luôn luôn phải

phòng ngừa. Thường dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát” [117,tr 146]. Ở đây nhà vua với quyết

tâm gìn giữ “từng thước núi, từng tấc sông” của cha ông để lại. Không những đi vào mọi ngõ ngách

để giữ gìn bình yên, mang lại cuộc sống an lành cho nhân dân, nhà vua còn hiện lên là một minh

quân đầy trách nhiệm: “Ta bực mình tự nghĩ rằng: mình là người đứng đầu thần dân, nếu không xét

cho ra cái án này, thì bố mẹ thêm một đứa con ma, vợ người thêm một thằng chồng ma. Đã gọi là

ma sau này không khỏi sinh ra tai vạ” [117,tr 165]. Chính nhờ vào tinh thần trách nhiệm cao mà vị

vua trong Thánh Tông di thảo luôn biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Cho nên khi dân gặp

khó khăn vị vua ấy lại có mặt kịp thời cứu tế giúp dân: “Năm Quý Tỵ lụt to. Những nơi nước đến,

rắn rết bò lên ngọn cây, người ta phải nuôi gà chó trên cành. Đền chùa phần nhiều bị nước cuốn đi

hay đỗ nát. Ngày hai mươi bảy, tháng tám nước rút. Ta đi thuyền xem xét nơi nào bị thiệt hại thì

chẩn cấp cho dân” [117,tr 17]. Đấy cũng là một xã hội mà mọi oan khiên đều được làm sáng tỏ:

“Trẫm trên nhờ oai linh của tổ tông, dưới dựa vào bầy tôi giúp sức, sinh, sát, thưởng, phạt, đều nằm

trong tay. Ai uất ức, đau khổ, ta có thể nêu lên được. Khấn với các thần ở địa phương, nếu có u hồn

nào còn uất ức thì bảo chúng cứ thực tâu bày” [117,tr 146]. Nhờ sự anh minh, sáng suốt trong điều

hành việc nước mà vị vua ấy đã có thể mang lại một đời sống ấm no cho dân, cho nước: “Sau khi

đại định, khách bộ hành sung sướng được đi trên đường sá của ta, người buôn bán vui mừng được

bày hàng hóa ở chợ của ta. Thượng Kinh là nơi đô hội” [117,tr 24]. Lòng tự hào dân tộc của tác giả

còn được thể hiện qua lời ca ngợi tấm lòng bao dung và tinh thần nhân đạo của vua Lê Thái Tổ

trong Nhị nữ thần truyện: “Khi vua Lê giảng hòa với Vương Thông, cho Thông được toàn thân về

nước, con tôi nghĩ mệnh vua là trọng, đã không dám trái mệnh vua” [117,tr 28]. Câu chuyện này

nhắc lại sự việc khi đánh thắng giặc Minh, vua Lê Thái Tổ đã không truy đuổi quân giặc đến cùng

mà vẫn tha cho chúng một con đường sống để về nước. Đó cũng chính là truyền thống nhân ái của

người Việt.

Nhìn chung nội dung của Thánh Tông di thảo bên cạnh lời ngợi ca cuộc sống thanh bình của xã

hội phong kiến ở giai đoạn thịnh trị thì chủ yếu là đề cao trật tự phong kiến và ngợi ca các đại biểu

của chính quyền – những rường cột của nhà nước phong kiến. Và đặc biệt trong tác phẩm, có thể

nhận ra hình ảnh của nhà vua – nhân vật “ta” được khắc họa rõ nét. Ẩn sau những câu chuyện về

thần, về người ấy là khuôn mặt từ đức của Lê Thánh Tông. Âm hưởng chủ đạo trong Thánh Tông di

thảo chủ yếu là âm hưởng ngợi ca cuộc sống thanh bình, ngợi ca sự anh minh, sáng suốt của người



đứng đầu. Chính cuộc sống này mới là cảm hứng chủ đạo cho việc phóng bút của nhà văn chứ

không phải là các sự kiện lịch sử hay những câu chuyện trong dân gian. Có thể khẳng định rằng: ở

một mức độ nhất định Lê Thánh Tông đã thoát ra khỏi những ảnh hưởng thụ động của văn học dân

gian và văn xuôi lịch sử. Nhờ vậy Thánh Tông di thảo đã châm ngòi cho sự bùng nổ mạnh mẽ yếu

tố hiện thực ở những tác phẩm sau này mà tiêu biểu nhất là Truyền kì mạn lục. Điều đó đã làm nên

tên tuổi cho “thiên cổ kì bút” của Nguyễn Dữ.

Có thể thấy: chế độ chuyên chế tập quyền theo Nho giáo trong lịch sử văn học Việt Nam tới đây

đã đạt tới đỉnh cao nhất, tới trạng thái cổ điển, mẫu mực nhất. Cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên

khi văn chương nhà Nho ở cuối thế kỉ XV nói chung và những sáng tác của Lê Thánh Tông nói

riêng lại chủ yếu là lối văn ca tụng vua sáng, tôi liền, cuộc sống ấm no, thái bình thịnh trị. “Thơ văn

nửa sau thế kỷ XV nêu cao giáo huấn của đạo Nho về cương thường, xuất xử, khí tiết, vạch con

đường kiến thiến quốc gia hùng mạnh, ca tụng những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm, khắc

công ghi ơn anh hùng nghĩa sĩ” [49,tr 134].

Vui mừng, hân hoan là những cảm xúc còn đọng lại khi đọc Thánh Tông di thảo nhưng những

cảm xúc đó không mãnh liệt bằng những rung động do Truyền kì mạn lục và Lan Trì kiến văn lục

mang đến. Hai tác phẩm khiến người đọc phải phẫn nộ trước những hành động táng tận lương tâm

của giai cấp thống trị, và sự băng hoại đạo đức của nhiều lớp người trong xã hội phong kiến. Cái ác,

cái xấu cứ lan tỏa khắp nơi khiến người đọc phải day dứt, suy tư.

3.1.1.2. Một xã hội đầy những biến động loạn ly:

Trái ngược lại hoàn toàn xã hội hạnh phúc, an lành trong Thánh Tông di thảo của Lê Thánh

Tông là xã hội của Nguyễn Dữ trong Truyền kì mạn lục, Lan Trì kiến văn lục. Có thể thấy Nguyễn

Dữ đã làm đúng vai trò của một nhà nghệ sĩ có tâm và tài. Bởi lẽ tâm ấy được ông gửi gắm trong

việc vẽ lại bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVI - một xã hội đầy rầy những

bất công, ngang trái. Còn tài ấy được thể hiện ở phương diện nghệ thuật miêu tả nhân vật, dẫn dắt

cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định đây là “áng văn hay của

bậc đại gia”. Nguyễn Dữ sinh thành trong giai đoạn mà chế độ phong kiến nước nhà bắt đầu bộc lộ

những suy thoái của nó, vai trò của tầng lớp quan lại, trí thức đã mất dần. Trong số đó có một số

những trí thức đã trở thành những kẻ nô lệ cho đồng tiền. Và vì vậy những người tâm trong sạch,

liêm khiết, cao đẹp không thể cùng hội cùng thuyền được. Họ từ quan về sống chốn lâm tuyền, xem

đó là cách để tự an ủi mình. Ông cũng có mặt trong số đó, từ quan về ở ẩn với lý do nuôi mẹ già,

Nguyễn Dữ đã gửi vào trang sách những điều mình tận mắt chứng kiến khi còn nhậm chức. Chính

vì vậy mà đề cập đến một xã hội đầy những loạn ly, Nguyễn Dữ với Truyền kì mạn lục đã được

đánh giá cao.



Dưới con mắt của những nhà nho chân chính thì xã hội rơi vào tình cảnh loạn lạc, ly tán chính từ

tầng lớp thống trị mà ra. Ngay cả nơi có thể xem là yên bình nhất – nơi ngự trị của vua quan - cũng

đã xuất hiện những cuộc cấu xé ngầm: “còn ngoài ra phi là đồ tham tiền thì là tuồng nát rượu, phi

là đồ chỉ lấy yên vui làm thích thì là tuồng lấy thế vị mà khuynh loát nhau, chứ chưa thấy ai biết

những kế lạ mưu sâu để lo tính cho dân chúng cả” [23,tr 143]. Chính từ chỗ tranh dành ngôi vị, tiền

tài của vua chúa quan lại đã dẫn đến tình trạng kéo bè kết cánh nhằm tìm cách hại nhau: “ta chỉ ghét

những kẻ miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong cái trào đình trọc loạn, lại còn toan kéo người

khác để cùng đắm với mình” [23,tr 144]. Những kẻ thống trị tin rằng với sức mạnh quân sự trong

tay, họ không sợ bất kì tai họa nào: “ta đã có binh lính có đồn lũy, tay không lúc nào rơi qua mâu,

sức có thể đuổi kịp gió chớp, trời dù có giỏi cũng sẽ phải tránh ta không kịp, còn giáng họa cho ta

sao được”.[23,tr 186]. Xuất phát từ toan tính này mà bọn họ càng “làm những sự dâm cuồng, chém

giết, không kiêng dè gì nữa” [23,tr 187]. Có thể thấy rằng trong thế kỉ XVI mâu thuẫn giai cấp trở

nên gay gắt và trật tự phong kiến lung lay, chiến tranh phong kiến diễn ra ác liệt. Tất cả những hiện

thực ấy được phản ánh đầy đủ ở Truyền kì mạn lục. Những cuộc chiến tranh ấy đã khiến bao gia

đình phải chia ly: “cuộc đoàn viên chưa được mấy lâu thì nhà nước có việc đi đánh Chiêm Thành,

bắt đến nhiều lính tráng”. [23,tr 176] Xã hội thời Nguyễn Dữ là một xã hội mà không chỉ đối mặt

với những cuộc nội chiến mà còn gánh chịu nạn ngoại xâm. Trong Truyện Lệ Nương, hơn một lần

Nguyễn Dữ đã nói đến hai cuộc chiến như thế. Lệ Nương và Phật Sinh yêu nhau, tuy hôn ước chưa

định nhưng đôi trẻ đã gắn bó với nhau rất mật thiết, tình nghĩa chẳng khác chi vợ chồng. Cuộc nội

chiến bùng nổ, năm 1399 khi cuộc mưu sát Hồ Quý Ly của nhóm Trần Khát Chân không thành.

Những người thuộc gia tộc họ Trần, nhất là phụ nữ đều bị bắt vào cung làm tì thiếp. Lệ Nương là

con gái người họ ngoại của Trần Khát Chân nên phải chịu chung số phận. Nàng đành ngậm ngùi gác

lại mối tình đẹp với Phật Sinh:

“Nguyền xưa tan nát nghĩ mà đau

Kiếp ấy lỡ làng sinh cũng uổng”[23,tr 198]

Hết nội chiến lại đến giặc Minh sang xâm lược. Nhà Hồ thất thủ, tướng Minh là Lã Nghị ỷ thế

cướp bắt đàn bà Đại Việt. Một lần nữa, Lệ Nương lại bị bắt. Mặc dù Phật Sinh đã hết lòng tìm kiếm,

nhưng không thể cứu được nàng. Cuối cùng Lệ Nương đành tự tử, khi bị đưa tới biên giới và chẳng

còn đường nào khác. Bi kịch của nàng do chính xã hội gây ra. Hồn Lệ Nương hiện về trong nỗi đau

thân phận: “nước mất nhà tan, lưu ly đến độ”. Nỗi đau của nàng Lệ Nương hay chính là lời thương

xót cho số phận người đàn bà sinh ra phải lúc nước nhà loạn lạc, ly tán và cũng là hiện thực của phụ

nữ Đại Việt những năm thế kỉ XVI. Như vậy có thể thấy rằng: Những cuộc nội chiến diễn ra rồi

chiến tranh ngoại xâm lấn đến, nhân dân luôn là đối tượng bị đọa đày, rên xiết dưới gót giày quân



bạo tàn. Trong đó phụ nữ luôn phải chịu cảnh chia lìa đôi lứa, vợ chồng “sinh ly tử biệt”. Chính vì

vậy mà Lệ Nương đã tìm đến cái chết khi bị giặc bắt sang biên giới: “bọn chúng ta vóc mềm tựa

liễu, mệnh bạc như vôi, nước vỡ nhà tan lưu ly đến độ. Nay nếu lại theo họ sang qua cửa ải tức là

đến nước non quê người. Chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm

những cái cô hồn ở bên đất bắc” [23,tr 204]. Số phận Lệ Nương tiêu biểu cho những người phụ nữ

sống trong một xã hội đầy biến động và loạn ly. Đây là hệ quả tất yếu trong một xã hội phong kiến

mà những người đứng đầu chỉ là những kẻ hại dân bán nước. Không chỉ phê phán những cuộc nội

chiến đã dẫn đến đất nước bị ngoại xâm, Nguyễn Dữ còn làm rõ hơn vai trò của những người là trụ

cột của quốc gia. Chính họ đã làm nên những khổ đau, bất hạnh cho con người. Truyện người nghĩa

phụ ở Khoái Châu đã thông qua số phận bi kịch cuả Nhị Khanh vạch ra những cái xấu của tầng lớp

quan lại lúc này. Những rường cột nước nhà ấy đã không đặt vấn đề lợi ích quốc gia lên trên mà

luôn ganh ghét, tìm cách hại nhau: “Đình thần ghét tính Lập Ngôn tính hay nói thẳng, ý muốn làm

hại, bèn hùa nhau tiến cử”, và nơi họ tiến cử là nơi “không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử

đến chổ hùng phiên, bề trong thực dồn đuổi vào chỗ tử địa” [23,tr 17]. Ngay cả người chồng mà

nàng thương yêu – Trọng Quỳ cũng ham mê cờ bạc, góp tay gây nên cái chết cho nàng. Từ đây

Nguyễn Dữ đã chỉ ra rằng, chính xã hội đầy dẫy những tệ trạng mà Nguyễn Dữ đang sống chứ

không ai khác đã giết chết hạnh phúc, cuộc đời và tuổi thanh xuân của người phụ nữ. Nguyễn Dữ là

một nhà nho nhưng trong Truyền kì mạn lục người đọc thấy niềm tin của nhà văn vào Nho học đã

gần như tắt lịm. Chính bởi những người có vai trò là đầu mối của Nho học đang dần đi vào lối sống

sa đọa, trụy lạc. Chính những người được xem là rường cột quốc gia ấy chứ không ai khác sẽ dẫn

đến sự sụp đổ như một quy luật tất yếu của xã hội phong kiến.

Có thể thấy thông qua loại hình các nhân vật quan lại, tác giả đã góp phần tố cáo một xã hội loạn

lạc, biến động và là một xã hội đầy những đỗ vỡ, đau thương.

3.1.1.3. Một xã hội với những con người mang trong mình bản chất xấu xa, suy đồi đạo

đức.

Cái xấu xa trong truyện truyền kì của Nguyễn Dữ, Vũ Trinh được thể hiện một cách có hệ thống

từ trên xuống, từ vua chúa, quan lại đến những con người bình thường trong xã hội. Đối tượng

trong Truyền kì mạn lục chủ yếu là vua chúa mang bản chất xấu xa. Và những nhân vật bước ra từ

trang sách của ông hiện lên như một bức chân dung biếm họa. Trong xã hội ấy vua quan thì chỉ biết

ăn chơi, hưởng lạc trong khi dân chúng nơi nơi đói kém oán than: “Hiện nay thánh hóa chưa khắp,

bờ cõi chưa yên: Bồng Nga là con chó dại, cắn càn ở Nam Phương, Lý Anh là con hổ đói gầm thét

ở Tây Bắc, Ngô Bệ ngông cuồng tuy đã tắt, Đường Lang lấm lét vẫn còn kia, sao không giương cái

cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào



kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tính làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những tướng khó trị,

sửa chuốt cung tên để dọa nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi giải về, khiến cho

gần xa quang sạch. Cớ sao bỏ những việc ấy không làm, lại đi lẩn quẩn ở công việc săn bắn dù

được chim muông như núi, chúng tôi cũng lấy làm không phục” [23,tr 171]. Mượn hình ảnh Hồ Quý

Ly, Nguyễn Dữ khiến người đọc phải liên tưởng đến hình ảnh nhà vua đương thời: “Ông ấy thường

dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dóc cạn của kho để mở phố

Hoa Nhai, phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình

ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được” [23,tr 143]. Nguyễn Dữ đã dùng ngòi bút

của mình phanh phui những thối nát, mục ruỗng của tầng lớp thống trị phong kiến. Tác giả không

trực tiếp phê phán vua chúa thời ông mà thông qua đặc trưng của thể loại truyền kì để tố cáo.

Nguyễn Dữ mượn sự kiện, nhân vật khung cảnh các triều đại trước nhưng với những việc làm,

những tội ác mà bọn họ gây ra, người đọc không thể không liên tưởng đến xã hội đương thời. Trong

Chuyện người tiều phu núi Na, ẩn dưới bóng hình người tiều phu đốn củi, tác giả đã tố cáo Hồ Hán

Thương: “dối trá tham dục đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa

Nhai, hao phí gấm là,vung vải châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình phạt có

của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì phải giết, kẻ nói điều nịnh thì

được hưởng, lòng dân động lay...Vậy mà các kẻ đình thần trên dưới theo hùa, trước sau nối vết”

[23,tr 142-143]. Qua những bộ mặt hôn quân vô đạo ấy, người đọc không khỏi nghĩ đến Lê Uy

Mục, Lê Tương Dực thế kỉ XVI. “Chưa bao giờ trong văn học viết cho tới lúc đó, vua chúa, quan

lại được thể hiện một cách hèn kém, bất tài đến thế” [131,tr 492]. Xã hội ấy loạn từ gốc mà ra, vua

như thế, quan không thể tốt hơn được, Truyền kì mạn lục đã chỉ ra rằng: một ông vua dâm dục vô độ

thì bên cạnh ông ta không thể tồn tại những vị quan liêm khiết được. Chính vì vậy không có gì lạ

khi người đọc nhận ra trong tác phẩm hầu hết là những quan lại xấu. Hai nhân vật tiêu biểu có thể

kể đến là tên quan trụ quốc họ Thân, đại diện cho quan văn và Lý Hữu Chi là đại diện những quan

võ. Trụ quốc họ Thân là kẻ: “chỉ là đồ yếu hèn mà làm đến bậc Vệ Hoắc, kêu xin chạy chọt, lúc nào

ở cửa cũng rộn rịp những người ra vào, vàng bạc châu báu trong nhà chồng chất đầy rẫy. Trừ gặp

phải hỏa tai, của cải trong nhà ấy không biết cách nào tiêu mòn đi được” [23,tr 165-166]. Thì ra

đằng sau ngôi cao, đức trọng là tội ác tham lam không đáy, là nhũng nhiễu và bức hiếp dân lành.

“Dựa vào lũ trộm cướp như tâm phúc, coi người nho sĩ như cừu thù; thích sắc đẹp, ham tiền tài,

tham lam không chán; lại tậu ruộng vườn, dựng nhiều nhà cửa, khai đào đồng nội để làm ao, dồn

đuổi xóm giềng cho rộng đất. Đi kiếm những hoa kì đá lạ từ bên huyện khác đem về ....dâm cuồng

chém giết không kiêng dè gì nữa” [23,tr185] là tất cả những đặc điểm của quan võ Lý Hữu Chi,

không những tham lam mà còn ngang ngược, cướp bóc trắng trợn. Tất cả bọn chúng đều là những



điển hình sắc sảo về tội ác và bản chất xấu xa của tầng lớp thống trị đương thời. Bên cạnh đó còn có

bọn tu hành giả dối, những tên bất lương trộm cướp hay phường giá áo túi cơm lười biếng trốn việc,

núp dưới mái chùa để làm điều xằng bậy: tên sư Vô Kỷ trong Truyện nghiệp oan của Đào thị sống

thiếu trung thực, làm chuyện dâm ô trong nhà chùa. Người đọc hẳn chưa quên hai tên hộ pháp trong

Truyện cái chùa hoang ở Đông Triều với những hành động bỉ ổi “vào bếp để khoắng hũ rượu”,

“vào buồng để ghẹo vợ người”, “khoắng xuống một cái ao, rối bất cứ vớ được cá lớn cá nhỏ đều bỏ

vào mồm mà nhai nuốt hết (....) Dắt nhau lẻn vào vườn mía nhổ trộm mà tước mà hít”[23,tr147].

Ngoài ra còn có sự góp mặt của những tên lái buôn ỷ vào thế lực đồng tiền sống phóng đãng sa đọa:

Đỗ Tam trong Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu; gã phú thương họ Phạm trong Truyện yêu

quái Xương Giang. Hoặc đó là những nho sinh hư hỏng, trụy lạc: Hà Nhân Giả trong Truyện kì ngộ

ở Trại Tây. Đó còn là những đấng mày râu – người có vai trò là trụ cột trong gia đình nhưng lại gây

đổ vỡ cho gia đình: Trọng Quỳ cờ bạc bê tha đến nỗi phải gán vợ cho sòng bạc đẩy người vợ nết na,

thùy mị vào đường cùng thắt cổ chết. Trương Sinh ghen tuông vô cớ đến độ mắng nhiếc, xúc phạm

và dẫn đến cái chết cho người vợ thủy chung. Tất cả những cái xấu xa trong một xã hội phong kiến

đang đi vào suy thoái đã hiển hiện đầy đủ và sắc nét trong tác phẩm, phản ánh trung thực bộ mặt xã

hội thế kỉ XVI.

Bên cạnh hệ thống nhân vật của Nguyễn Dữ với những khuôn mặt dị hình, dị dạng của tầng lớp

quan lại, vua chúa thì nhân vật của Vũ Trinh lại đa dạng hơn với đủ thành phần và tồn tại nhiều vấn

đề tiêu cực. Những cái xấu xa ấy không nghiêm trọng đến lợi ích nhân dân nhưng nó lại làm hỏng

thuần phong mĩ tục của người Việt Nam. Đó là hình ảnh một em bé ba bốn tuổi bị bố bỏ rơi trong

rừng cho hổ ăn thịt để lấy vợ khác trong Chuyện hổ hiệp: “Bà mối liền về nói lại với Hoàng. Hoàng

thích cô ta quá, không bỏ được, nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn cách bỏ đứa con thì mới được cô ta. Thế là

hắn manh tâm làm ác. Mấy hôm sau, hắn mang đứa con vào rừng sâu, nói dối là đi kiếm trái chín

để ăn, bỏ đứa con trong rừng rồi đi đường tắt về nhà. Vùng này có nhiều hổ. Hoàng về tới nhà,

chắc mẩm là con mình đã vào bụng hổ”. [118,tr 76]. Truyện Linh xà ở một khía cạnh khác khuyên

thần linh công minh, chính trực đừng làm những điều trái với mong ước chính đáng của nhân dân:

“Hôm qua em chơi ở ngoài núi, bị một đứa tiểu lại của thừa ty xúc phạm, chắc là nó chạy chưa xa,

em định bắt hắn trị tội cho hả” nhưng vị thần đáp: “Rồng trắng đội lốt cá, còn bị đem bán. Vả lại,

lúc ấy, hắn chỉ biết anh là rắn thôi, hắn lại đang có việc quan, việc gì anh lại chắn đường nó đi để

đến nỗi chuốc oán chịu nhục, đó là lỗi tại anh, lại còn định đuổi theo làm hại nó, sao anh nhỏ nhen

thế. Anh hãy mau trở về đi, cứ làm liều thế này, phép trời đáng sợ lắm.” [118,tr114]. Trong khi đó

Truyện tái sinh, Thanh Trì tình trái lại lên án tệ phân biệt đẳng cấp và ca ngợi tình yêu tự do. Hai

tác phẩm chê trách nhẹ nhàng hai người cha vì tham tiền, vì muốn môn đăng hổ đối nên “bố cô gái



vốn là kẻ ô trọc xuẩn ngốc, thấy Sinh nhà nghèo thì dứt khoát từ chối” [118,tr 49] hoặc xúc phạm

đến danh dự của người khác: “Cửa nhà thế này, con gái yêu kiều như thế này, mà lại có thằng rể lái

đò à? Mụ ăn mày này thực ngu hết chỗ nói” [118,tr 67] . Còn Tiên ăn mày lại cười chê người anh

“tham lam keo kiệt”, và “chị dâu cũng thô bạo xấu xa” đã chiếm hết cả gia tài cha để lại, bỏ người

em với “ruộng xấu” và “gian nhà nát”. Sự tham lam của vợ chồng người anh được đẩy lên cao

mang tính phê phán, châm biếm khi bọn chúng lầm tưởng ông lão “đội mũ vàng, mặc áo rách, khúm

núm đi qua” là tiên nên “Giáp sai vợ giữ chặt tay cụ già, dùng dùi đục phang thật lực vào mũi cụ,

máu chảy lênh láng... (....), cụ già gẫy cả răng, kêu gào cứu mạng” [118,tr 40]. Tính tham lam cố

hữu trong vợ chồng người anh đã khiến cụ già bị đánh chảy máu và hai vợ chồng bị trừng trị thích

đáng. Tác phẩm đồng thời cũng nêu lên một chân lý làm người ở đời: ở đời đừng tham lam, đừng vơ

vét của người khác làm của riêng mình. Trong khi đó, Liên hồ quận Quân lại chê trách người anh

bạc nhược, bất tài: “Quan quận công mất đi, để lại rất nhiều của cải, nhưng gặp người anh chẳng

ra gì, bị bọn xấu dị dỗ, đi vào con đường rượu chè, cờ bạc. Chưa hết tang cha mà cửa nhà đã sạch

nhẵn. Em gái đã đến tuổi trưởng thành, nhưng vì anh du đãng hư hỏng, nên không ai dám hỏi.”

[118,tr 132]. Tệ hại hơn người anh còn lợi dụng em gái: “sau có một viên quan võ dưới quyền cha,

tuổi trung niên chết vợ, người anh hám của, bắt ép em phải lấy” [118,tr 132]. Nếu người cha trong

Chuyện hổ hiệp vì hạnh phúc riêng mình đan tâm để con cho hổ ăn thịt không hề động lòng thì

người anh trong tác phẩm này vì chơi bời lêu lỏng sẵn sàng gán em cho một người luống tuổi để lấy

tiền. Hai nhân vật hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều là những kẻ đạo đức suy đồi. Để thỏa mãn

những nhu cầu cá nhân họ sẵn sàng vứt bỏ người thân thuộc mà lương tâm không hề day dứt.

Truyện Vũ Trinh phần nhiều có ý nghĩa xã hội. Khi viết tác phẩm này, Vũ Trinh đã ít nhiều nói lên

một quan niệm: tác phẩm văn chương không chỉ để mở rộng hiểu biết và chiêm nghiệm lẽ đời, lẽ

trời, để bổ sung cho sử sách, mà còn để giáo huấn, để bày tỏ nỗi lòng. Nếu nhân vật bị phê phán của

Nguyễn Dữ chủ yếu là giai cấp thống trị thì nhân vật bị chê trách của Vũ Trinh lại là những con

người bình thường trong xã hội. Họ mang trong mình những cái xấu, chính họ chứ không ai khác đã

làm đảo lộn những thuần phong mĩ tục, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt từ bao đời.

Không phải Vũ Trinh không nhìn thấy những hạn chế của giai cấp thống trị mà có lẽ rằng những va

đập của cuộc đời, những sai lầm trên bước đường chính trị đã khiến nhà văn này chới với trước

những biến động của thời cuộc. Vì vậy mà sáng tác của Lan Trì ngư giả chủ yếu lấy cảm hừng từ

con người trong đời thường, chỉ ra những hạn chế ấy của họ với một thái độ nhẹ nhàng, Ngư giả

như muốn những con người ấy thay đổi để sống tốt hơn, đẹp hơn.

Nhìn chung cả Nguyễn Dữ, Vũ Trinh đều là những con người sinh ra không đúng thời, một thời

đại không có đất dụng võ cho những người có tâm hồn cao khiết, trong sạch như họ. Tuy là không



sinh cùng thời song thời đại của Nguyễn Dữ và Vũ Trinh cũng có những điểm tương đồng. Thời đại

của Nguyễn Dữ, Vũ Trinh- thời đại sinh ra những ông “vua lợn, quan heo” thì làm sao dân có thể

sống yên lành hạnh phúc, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, đó là chân lý đã đúc kết bao đời. Thời đại

này không chỉ biến động, loạn lạc mà còn sinh ra những tệ lậu, những mầm mống xấu xa cho xã hội.

Họ đã gặp nhau ở mong muốn con người tự ý thức về tài năng và nhu cầu hạnh phúc. Chính điểm

này đã là một điều kiện quan trọng để tác phẩm của hai ông đậm chất nhân văn và làm điều kiện tiên

quyết, quan trọng để tạo nên xu hướng nhân văn và “tiếng kêu cứu” trong văn học giai đoạn thế kỉ

XVIII – XIX.

Có thể thấy rằng thể loại truyền kì không đơn giản chỉ là những tác phẩm chuyển những lời giáo

huấn của các tác giả mà thông qua đó còn là bức tranh xã hội Việt Nam đương thời. Đó có thể là xã

hội thịnh trị, an lành như trong xã hội của Thánh Tông di thảo, hay cũng có khi là xã hội nhiễu

nhương, đầy rẫy những xấu xa trong Truyền kì mạn lục và Lan Trì kiến văn lục. Có thể khẳng định

rằng hiện thực xã hội trong Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục, Lan Trì kiến văn lục đã chiếm

một vị trí quan trọng làm nên tên tuổi của tác phẩm. Nó vượt qua cách nghĩ của người đời về sự

quái đản, không thật của thể loại truyền kì. Chính vì vậy Lê Thánh Tông, Nguyễn Dữ, Vũ Trinh

cùng với những sản phẩm tinh thần ấy vượt thời gian sống mãi cùng bạn đọc nhiều thế hệ.

3.1.2. Loại hình các nhân vật trong tác phẩm thể hiện sự xuất hiện của chủ nghĩa nhân đạo

trong văn học

Như chúng ta đã biết chủ nghĩa nhân đạo là một trong những nội dung lớn nhất của nghệ thuật

nói chung, văn học nói riêng và trong toàn bộ sự phát triển của loài người. Và vì vậy nó trở thành

một trong những thước đo trình độ phát triển của văn học. “Chủ nghĩa nhân đạo là toàn bộ những

quan điểm đạo đức và chính trị bắt nguồn không phải từ cái gì siêu nhiên kì ảo, từ những nguyên lý

ngoài đời của nhân loại mà từ con người tồn tại thực tế trên mặt đất với những khả năng, những

nhu cầu của mình, những khả năng, nhu cầu ấy đòi hỏi phải được phát triển đầy đủ, phải được thỏa

mãn” [126,tr 246]. Như vậy nói đến nhân đạo là nói đến con người, là ý thức về con người. Và

trong bất kì mọi hình thái xã hội một khi con người được tôn trọng, ngợi ca, tin tưởng, đề cao,

thương yêu bảo vệ, phát huy tài năng thì xã hội đó đã đạt đến chủ nghĩa nhân đạo. Tư tưởng nhân

đạo ấy thấm đượm vào văn học, làm nên những tác phẩm nổi tiếng. Những thời đại lần lượt qua đi,

những biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo cũng khác nhau được phản ánh vào văn học. Trong thời

cộng đồng nguyên thủy, chủ nghĩa nhân đạo tồn tại dưới dạng tình thương và đoàn kết cộng đồng.

Rồi khi đất nước hình thành, nạn xâm lăng diễn ra, việc chống ngoại xâm xét từ góc độ nhân đạo

đều có giá trị ca ngợi, đề cao con người nếu không bằng nội dung trực tiếp thì cũng bằng ý nghĩa

khách quan toát ra từ tác phẩm. Thời đất nước hòa bình, chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện bằng



hình ảnh gắn liền với những cá nhân, con người cụ thể. Và đến lúc này, con người được quan tâm

nhiều hơn, nhất là đi sâu vào đời sống tâm hồn. Trước nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn đánh giá cao

những tác phẩm thơ và truyện thơ được xem là minh chứng cho chủ nghĩa nhân đạo: Chinh phụ

ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều và đỉnh cao là Truyện Kiều

của Nguyễn Du. Thế nhưng khi tiếp xúc với thể loại truyện kì, có thể thấy thể loại này cũng đã góp

phần không nhỏ vào trào lưu nhân đạo chung của văn học. Thánh Tông di thảo được xem là tác

phẩm đầu tiên của thể loại truyền kì có xuất hiện yếu tố nhân đạo. Và đến Truyền kì mạn lục thì yếu

tố này đã trở thành trào lưu mạnh mẽ và được tiếp nối đến khi thể loại sắp hoàn thành vai trò lịch sử

với Lan Trì kiến văn lục. Ba tác phẩm xuất hiện ở ba thời kỳ khác nhau, của ba tác giả khác nhau

song họ đã gặp gỡ nhau ở tình thương con người. Những nhà văn ấy từ tác phẩm của mình đã nhỏ

những giọt nước mắt khóc thương cho số phận những con người bất hạnh. Từ đó có thể thấy loại

hình các nhân vật trong tác phẩm đã góp phần cho sự xuất hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong văn

học.

3.1.2.1. Niềm tin đối với con người trong xã hội.

Niềm tin đối với con người trần tục, bình thường trong xã hội là một trong những biểu hiện của

chủ nghĩa nhân đạo trong Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục và Lan Trì kiến văn lục.

Có thể nói Lê Thánh Tông khi sáng tác đã hóa mình vào cỏ cây, hòa vào cuộc đời của nhân vật,

tác giả không còn là một nhà vua nữa mà chỉ đơn thuần là một nhà văn với tấm lòng cao đẹp. Cởi bỏ

chiếc áo bào, Lê Thánh Tông thật sự đã bước chân vào đời sống của nhân dân, hiểu và cảm thông

với những nỗi bất hạnh của họ. Ở Thánh Tông di thảo, tác giả bao giờ cũng có niềm tin rằng: con

người có sức mạnh hơn mọi thứ, con người có thể chiến thắng mọi thứ, kể cả với thần linh. Tác

phẩm Ngọc nữ quy chân chủ là một ví dụ tiêu biểu. Nhân vật chính trong tác phẩm là hình ảnh con

người “dáng rồng, bước hổ, mắt Thuấn mày Nghiêu, có vẻ trịnh trọng như núi, có lượng bào hàm

như biển” [117,tr 86]. Trong cuộc thi kén rể của Ngọc Hoàng, chàng đã trúng tuyển thắng cả thần

sông và thần núi bằng một lời nhận xét: “Quỷ thần ở núi sông chỉ là một vật ở nơi đó thôi. Múa trí

khoe tài, sao đáng điếm xỉa trong vòng trời đất? Sao không xem: ngôi cao vòi vọi mà những người

chiêm ngưỡng chỉ sợ đi sau; lượng biển bao la, mà những kẻ lại chầu tranh nhau đến trước. Tài trí

trong thiên hạ đều là tài trí của một người. Núi đúc khí thiêng, mong được tận trung mọi việc; sông

theo dòng lớn, đâu không hiếu thuận một niềm. Thảng hoặc có thỏ nấp trong núi, kình múa ngoài

khơi, thì sai người văn thần trọng vọng, cử người võ tướng lược thao. Bày trận theo thế Thường

Sơn, hành quân như nước dòng Giang Hán. Núi có thể bạt đi, gò có thể san bằng, nước lớn có thể

bắt lui,sông có thể cắt đứt. Bấy giờ sông yên núi vững, chỉ thấy một vẻ thanh cao. Thái Sơn, Hoàng

Hà ghi lời thề đới lệ; Ngũ Thạc, Tứ Độc, giữ lễ công hầu. Bước lên núi cao tỏ lòng trung với trời,



oai trùm biển rộng, nào ai dám chống” [117,tr 87-88]. Ở đây con người trần mắt thịt đã chiến thắng

những nhân vật uy quyền mang tính huyền thoại. Khẩu khí của nhà văn cho thấy con người ấy thật

vĩ đại và rất đỗi hiên ngang. Điều đặc biệt là con người trần tục không hề có phép lạ mà chỉ có bản

lĩnh, có niềm tin vào chính sức mạnh và vị thế của chính mình trước muôn loài. Cuối cùng kết thúc

cuộc thi, “ngọc nữ” đã về tay một người phàm trần– hình ảnh này nói lên quan niệm của tác giả: con

người dám thách thức và dám dũng cảm thể hiện sức mạnh tài trí của mình trước các lực lượng siêu

nhiên. Đối với lũ yêu ma không chỉ có đạo sĩ mới diệt trừ được mà những con người có chính khí

cũng có uy lực khiến chúng phải khiếp sợ và quy phục. Chẳng hạn như trong Nhị nữ thần truyện,

một nhà nho già trên đường về thăm cha ốm nặng, “trong ánh trăng tàn, cụ nhác trông thấy hai

người ở trên ngọn cây bồ đề đi xuống, bước ung dung không ra dáng leo cây. Nhà nho vốn có chí

khí, nghi là ma, vội chạy lại túm lấy áo hai người ấy định giết. Té ra chính là hai cô thầy bói thường

ngày ở chợ. Nhà nho già quát:

- Ngày ở trong chợ, đêm ở ngọn cây, chúng bay há không phải là yêu tinh ư?

Hai người đàn bà ấp úng không ra lời” [117,tr 26-27]. Hoặc như trong Phụ chép 2, người thầy

dạy học có khả năng đoán định và chế ngự được lũ yêu ma quỉ quái, dâm dục. Người học trò nghèo

nhưng khí phách ngay thẳng cũng không tỏ ra sợ hãi trước sự quấy nhiễu của lũ yêu ma. Những con

người ấy rất tự tin vào chí khí của mình sẽ làm cho bọn ma quỷ phải nể sợ: khi nghe chủ nhà cảnh

báo rằng trong tòa nhà ấy bọn ma quỷ quấy nhiễu khiến người ta không ai dám ở, phải bỏ đi thì anh

học trò đã trả lời rằng: “Thế gian làm gì có ma? Vì bằng có ma thật thì tục ngữ có câu: “Ma hay

trêu người ốm”. Ý hẳn ông sắp hết đời, nên ma mới dám quấy nhiễu như thế. Còn như tôi ở xa đến

đây tìm thầy học tập” [117,tr 155]. Đó cũng là bản lĩnh của Nguyễn Hãn trong Lan Trì kiến văn lục

của Vũ Trinh đã dám đánh ma. Con người trong các tác phẩm vô cùng tài giỏi, có thể giải quyết tất

cả các vấn đề kể cả những vấn đề thuộc về thế giới kì ảo của các lực lượng siêu nhiên. Ngay cả với

thần linh cũng cần đến sự giúp đỡ của con người. Có thể kể đến Nhất thư thủ thần nữ, các vị thần

linh khi gặp kiếp nạn đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của con người trần tục. Và anh đồ chỉ dùng một

dòng chữ của mình mà có thể rửa sạch nỗi oan khuất của một vị thần linh: “Nhà thiếp không phải là

người trần mà là nhà thần. Em gái thiếp không phải con gái người mà là con gái thần. Thân phụ

thiếp có công trừ tai chống nạn, Thượng Đế có lòng thương cho làm chủ một dãy núi. Bốn tháng

trước hai thần núi Tượng Sơn và núi Trĩ Sơn vu cáo tội lỗi cho thân phụ thiếp. Thượng Đế trao bản

án cho động Hoa Lư xét xử. Chủ động toan nghe lời gian dối của hai thần kia. Biết đại nhân trước

kia đã từng làm chức thị thư cho chủ động Hoa Lư, rất được tin dùng, nên chị em thiếp làm một tờ

khiếu bạch nếu được đại nhân chứng nhận thì sự vu cáo của hai thần kia rõ ra, mà tội lỗi thân phụ

thiếp được rửa sạch” [117,tr 177-178)]. Còn trong Trần nhân cư thủy phủ, để giải quyết tình trạng



nguồn nước sinh sống của các loài thủy tộc bị nhiễm quế cay giã nhỏ, người trần đã đưa ra cách giải

quyết như sau: “Cháu nghe vị cam thảo có tính giả chất độc trong các vị thuốc. Cúi xin liệt tổ sai

lính quỷ cải trang làn người trần, đến chợ mua lấy vài trăm cân. Hễ thấy nước quế chảy qua thì tán

nhỏ cam thảo hòa vào. Vị quế dẫu cay, không thể hại được” [117,tr 121]. Thông qua đó, Lê Thánh

Tông đã khẳng định con người giờ đây không chỉ có khả năng nắm giữ vận mệnh của chính mình

mà còn có thể nắm giữ vận mệnh của cả mọi loài. Đề cao vai trò của con người, nhà văn Nguyễn Dữ

còn đi sâu vào diễn tả cuộc đấu tranh của họ trước các thế lực siêu nhiên, thần thánh. Tiêu biểu là

Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Tử Văn đã đốt đền vì không chấp nhận hành vi

“tác yêu tác quái trong dân gian” của hồn viên Bách hộ họ Thôi, không những vậy trước những lời

trách mắng của Diêm vương, Tử Văn đã tâu trình rõ nguồn cơn tội ác của viên Bách hộ với “lời rất

cương chính, không chịu chùn nhùn nhụt nào”. Cuối cùng chàng đã chiến thắng. Tác phẩm không

chỉ dừng lại ở chỗ đề cao sức mạnh con người mà còn ngợi ca tinh thần cứng cỏi của kẻ sĩ trước

sóng gió của cuộc đời. Xem trọng con người hơn thần thánh là một trong những dấu hiệu cho thấy

sự thay đổi tư duy nghệ thuật của các tác giả. Đặc biệt là niềm tin con người có khả năng chinh phục

được những chông gai trước mắt để đi đến bến bờ vinh quang của sự thành công. Tiêu biểu cho kiểu

nhân vật này có thể kể đến những chàng thư sinh nghèo trong Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn

lục, Lan Trì kiến văn lục. Từ hình ảnh hai anh em trong Hai thần hiếu đễ đến Thiên Tích trong Gã

trà đồng giáng sinh sang Khâm Lân trong Ca kĩ họ Nguyễn là quá trình vượt qua khó khăn thử thách

và chinh phục được đỉnh cao của sự thành công ở những chàng Nho sinh. Hoàn cảnh của họ được

miêu tả khá chân thực, “Ở Sơn Bắc có Nguyễn Tử Khanh, cha mẹ mất sớm chỉ có một người anh”,

lại có người “gia cảnh nghèo nàn, ăn tiêu không đủ”, và cũng có người “mẹ kế ăn ở chẳng lành, bắt

ông bỏ học đi chăn trâu”. Mỗi con người một hoàn cảnh, một cá tính khác nhau song đều xuất thân

nghèo khó, luôn luôn phải đối mặt với những thử thách của cuộc đời. Và rồi những chàng Nho sinh

hàn vi ấy đã dùng chính nghị lực của mình để đi đến những thành công nhất định. Cho nên càng

gian khổ bao nhiêu, thành công của họ càng vinh quang và có ý nghĩa bấy nhiêu.

Trong Truyền kì mạn lục và Lan Trì kiến văn lục, đó đây con người được thể hiện ở những tầng

lớp khác nhau. Đó có thể là một quan lại, một chàng nho sinh nhưng cũng có thể chỉ là những con

người bình thường dưới đáy xã hội. Xuất thân khác nhau, số phận khác nhau song họ luôn có một

niềm tin vào cuộc sống. Trong Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ đã nhìn thấy những ưu điểm từ con

người bình thường trong cuộc sống. Tác phẩm khẳng định những phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc

không còn nằm ở những tầng lớp thống trị nữa mà tìm thấy nơi những kẻ bị trị, những con người

nhỏ bé bất hạnh. Những con người ấy trong khổ đau, vùi dập vẫn không tắt đi niềm khao khát sống,

khao khát yêu thương và vẫn ngời sáng nét đẹp tâm hồn. Đó là Đào Hàn Than, là Vũ Thị Thiết, là



Xem Thêm
Tải bản đầy đủ (.pdf) (165 trang)

×