Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (21.52 MB, 252 trang )
theo Foucault định nghĩa, là một hệ thống các thủ tục được sắp đặt đối với việc sản
sinh, điều chỉnh, phân phối, lưu thông và thao tác trong trình bày).
Năm 1976, M.A.K. Halliday và R. Hasan với “Liên kết trong tiếng Anh” tuy
không nghiên cứu trực tiếp về mạch lạc, nhưng chúng ta có thể hiểu quan niệm về
mạch lạc của họ như sau: “… Chất văn bản bao gồm nhiều hơn, không chỉ là sự có
mặt của những quan hệ nghĩa thuộc loại mà chúng tôi quy về liên kết – sự phụ thuộc
của yếu tố này vào yếu tố khác để giải thích được nó. Nó bao gồm một chừng mực
nào đó của mạch lạc trong các ý nghĩa được diễn đạt: không chỉ hoặc không phải
chủ yếu là ở NỘI DUNG, mà ở sự lựa chọn TOÀN BỘ từ các nguồn ý nghĩa của ngôn
ngữ đó, bao gồm cả các thành tố liên nhân khác nhau, các thức, các tình thái, các độ
mạnh và những hình thái khác nữa mà người nói nhồi nhét vào trong tình huống
nói”. [116, tr.22]
Đến năm 1978, H.G. Widdowson với “Dạy tiếng theo giao tiếp” đã phân biệt
sự liên kết văn bản với mạch lạc diễn ngôn. Theo tác giả, mạch lạc diễn ngôn biểu
hiện trong khả năng dung hợp nhau của các hành động nói. Khả năng này thể hiện
qua cấu trúc theo qui ước của tương tác lời nói. Chính cấu trúc này cung cấp lời giải
thích cho cách thức mà một số phát ngôn rõ ràng là không nối kết với nhau về mặt
hình thức (không có liên kết) lại có thể được giải thuyết trong phạm vi một thể loại
tương tác lời nói nào đó, tạo ra chuỗi lời nói mạch lạc. Ông đưa ra ví dụ như:
A: That’s the telephone. (Có điện thoại)
B: I’m in the bath.
(Anh đang tắm)
A: OK
.
(Thôi được)
Chuỗi lời nói này là diễn ngôn mạch lạc. Còn liên kết văn bản thì được nhận biết
trên bề mặt từ ngữ, ngữ pháp và trong sự triển khai mệnh đề một cách logic.
D. Edmonson (1981) cũng khảo sát vấn đề về cái gì phân biệt văn bản với phi
văn bản (tức là, các văn bản mạch lạc với các văn bản không mạch lạc). Ông quả
quyết rằng khó mà tạo ra những phi văn bản từ những câu đứng cạnh nhau bởi vì nói
chung có thể tạo ra một vài kiểu ngữ cảnh đem lại tính mạch lạc cho bất kỳ tập hợp
câu nào. Ông phản đối điều khẳng định của V. Dijk, H.G. Widdowson và đưa ra
những ví dụ rất ngắn để cung cấp những văn bản hiểu được khi không có các đánh
dấu liên kết.
Năm 1983, trong tác phẩm “Phân tích diễn ngôn”, G. Brown và G. Yule đã
dành hẳn một chương cuối cùng cho “Tính mạch lạc trong việc giải thuyết diễn
ngôn”. Trong chương này, tác giả đã trích dẫn quan điểm của Labov (1970) “nhận ra
tính mạch lạc và không mạch lạc ở các chuỗi hội thoại không dựa trên cơ sở mối
quan hệ giữa các phát ngôn, mà là giữa các hành động được thực hiện bằng các phát
ngôn này”. [22, tr.351]
Năm 1989, G.M. Green là người xem xét mạch lạc trên cơ sở của nguyên tắc
cộng tác do H.P. Grice đề xướng. Ông cho rằng: “Mạch lạc của văn bản không phải
là vấn đề của những đặc trưng dành riêng cho văn bản, mà là vấn đề của cái sự thật
có thể coi là: việc những người tiếp nhận văn bản có năng lực suy luận bằng mọi
cách là việc cần thiết để chắp nối nội dung của các câu cá thể lại với nhau”, và họ
chắp nối “bằng cách làm rõ việc suy ra một trình tự thực hiện cái dàn ý được suy ra
để đạt đến cái mục tiêu được suy ra”. Đồng thời, G.M. Green thừa nhận có nhiều
cách tiếp cận khác nhau đối với mạch lạc. Do vậy, cách tiếp cận của ông đối với
mạch lạc có thể gọi là mạch lạc theo nguyên tắc cộng tác.
D. Nunan, 1993, trong “Dẫn nhập phân tích diễn ngôn”, nhất trí với ý niệm cho
rằng liên kết không “tạo ra” mạch lạc và việc thiết lập tính mạch lạc là việc người
đọc/ người nghe có sử dụng kiến thức ngôn ngữ của họ để liên hệ thế giới diễn ngôn
với những con người, vật thể, sự kiện và sự thể bên ngoài bản thân văn bản v.v.
Trong khi đó, ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu về mạch lạc có nhưng
chưa nhiều. Công trình nghiên cứu đầu tiên là Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt
(1985) của Trần Ngọc Thêm. Trong công trình này, tác giả đề cập đến liên kết và hệ
thống liên kết trong văn bản tiếng Việt. Công trình có phân tích khá chi tiết về liên
kết nội dung thể hiện qua liên kết chủ đề và liên kết logic. Khái niệm liên kết nội
dung của tác giả trong thời điểm lúc bấy giờ có lẽ cũng phù hợp với khái niệm mạch
lạc của nhiều nhà ngôn ngữ học hiện nay. Do vậy, công trình này có thể được xem là
công trình đầu tiên ở Việt Nam có đề cập đến mạch lạc.
Trong công trình Văn bản và liên kết trong tiếng Việt (1998), Diệp Quang Ban
đã trình bày về vấn đề mạch lạc văn bản một cách khá chi tiết. Đến năm 2002, quyển
Giao tiếp - Văn bản - Mạch lạc - Liên kết - Đoạn văn ra đời, chính tác giả đã bổ sung,
mở rộng và hiệu chỉnh mục nói về mạch lạc (trong sách 1998) thành Phần thứ ba:
Mạch lạc, với việc giới thiệu những nội dung rõ ràng và chi tiết hơn về mạch lạc
trong quá trình tạo lập và giải thích văn bản. Và năm 2005, với quyển VĂN BẢN, tác
giả đã dành hẳn chương hai để viết về Mạch lạc văn bản với hai nội dung cụ thể:
mạch lạc tạo lập văn bản và những biểu hiện của mạch lạc trong văn bản.
Trong công trình nghiên cứu “Ngữ pháp chức năng tiếng Việt” quyển 1, tác giả
Cao Xuân Hạo cũng có đề cập đến vấn đề mạch lạc trong ngôn bản và liên kết câu
với quan niệm “Khi ngôn bản gồm từ hai câu trở lên, giữa các câu có một quan hệ
nhất định khiến chúng không phải là bất kỳ đối với nhau: giữa chúng có một mạch
lạc” và sự mạch lạc giữa các câu này được thực hiện bằng các phương tiện từ ngữ,
ngữ pháp trong các câu và bằng bố cục. Tác giả minh chứng cho quan điểm của mình
qua các ví dụ cụ thể như: Lên tí nữa. Tí nữa. Sang trái một chút. Được rồi đấy. Đinh
đây này. Năm câu trong ví dụ trên cho chúng ta hình dung được ai đó đang định vị
một vật.
Ví dụ này minh hoạ cho chuỗi câu mạch lạc. Bằng các ví dụ điển hình, cụ thể,
tác giả đã phân tích trong một số trang, tuy ngắn nhưng thực sự thể hiện được khá
tường minh khái niệm mạch lạc.
Bên cạnh đó, còn có một số tác giả khác như Đỗ Hữu Châu, trong “Những luận
điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học” (tạp chí Ngôn ngữ số 2/
1990), “Ngữ pháp văn bản” (1994), “Đại cương ngôn ngữ học” tập 2 (2001); Nguyễn
Đức Dân “Logic và tiếng Việt” (1998) cũng đã có một số quan điểm phác họa về
mạch lạc đáng chú ý.
Gần đây có một số bài viết về mạch lạc như: Trần Thị Vân Anh “Mạch lạc theo
quan hệ nguyên nhân trong Truyện Kiều” (2002), Nguyễn Thị Thìn “Về mạch lạc của
văn bản viết” (ứng dụng vào phân tích truyện ngắn Đám ma kỳ lạ nhất mà tôi chứng
kiến của Ezra M. Cox) (2003), v.v.
Tóm lại, việc nghiên cứu về mạch lạc văn bản của các nhà nghiên cứu ngôn
ngữ học trên thế giới và ở Việt Nam, chủ yếu trên ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt,
đã nêu bật một số quan điểm về mạch lạc.
- Mạch lạc là một vấn đề khá trừu tượng và khó nắm bắt. Vẫn còn nhiều quan
điểm chưa đồng nhất về mạch lạc.
- Mạch lạc là yếu tố quan trọng và chủ yếu tạo nên văn bản. Khi gọi là một văn
bản thì cũng có nghĩa là chính chuỗi phát ngôn đó chắc chắn đã mạch lạc. Và ngược
lại, không có mạch lạc, chuỗi phát ngôn này sẽ không trở thành văn bản.
- Mạch lạc và liên kết không phải là một. Mạch lạc thể hiện ở bề sâu của quan
hệ nghĩa, còn liên kết thể hiện ở bề mặt bằng các hình thức liên kết khứ chỉ, hồi chỉ,
v.v, và là một phương thức góp phần tạo nên mạch lạc trong văn bản.
- Mạch lạc ở hội thoại khác mạch lạc trong văn bản viết. Mạch lạc hội thoại
thường gắn chặt với hoàn cảnh và tình huống phát ngôn; còn mạch lạc trong văn bản
viết gắn chặt với chủ đề và toàn cảnh của văn bản.
- Mức độ nhận định về mạch lạc của một văn bản chủ yếu tuỳ thuộc vào khả
năng tư duy, thái độ tình cảm, trình độ hiểu biết và kiến thức nền của người đọc. Bên
cạnh đó, cũng còn có một số yếu tố cơ bản khác giúp người đọc/ người nghe xác định
được chuỗi câu mạch lạc và chuỗi câu không mạch lạc.
Nhìn chung, trong những thập kỷ gần đây, lý thuyết về mạch lạc đã và đang
được các nhà nghiên cứu ở phương Tây cũng như ở Việt Nam đề cập đến khá nhiều.
Tuy nhiên, những công trình có tính ứng dụng vào thực tiễn nói/ viết thì ít.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu về ngữ pháp văn bản, phân tích diễn ngôn là lĩnh vực khá hấp dẫn.
Lĩnh vực này có nhiều vấn đề phức tạp nhưng không kém phần thú vị, cần thiết và
quan trọng. Và mạch lạc văn bản chính là một trong những vấn đề nói trên. Nhiều
nhà nghiên cứu đánh giá mạch lạc là hiện tượng khá mơ hồ, không tường minh, khó
nắm bắt. Nhưng với lý do và mục đích như đã trình bày, luận án chọn mạch lạc trong
văn bản viết, cụ thể là bài làm văn của học sinh phổ thông, làm đối tượng để tiếp cận
và nghiên cứu với hy vọng sẽ tìm được những giải thuyết tường minh hơn cho vấn đề
về mạch lạc trong văn bản trên.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Mạch lạc là vấn đề rất rộng và vô cùng phức tạp. Trong phạm vi của luận án,
để việc nghiên cứu được tập trung, nội dung giải quyết phù hợp với đề tài đặt ra, với
điều kiện và khả năng có hạn, chúng tôi vận dụng những thành tựu nghiên cứu về
mạch lạc của các nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước để khảo sát một số bài làm
văn của học sinh phổ thông nhằm xác định những tiêu chí về mạch lạc trong dạng văn
bản này.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN NGỮ LIỆU
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Sau khi đã xác định “Những vấn đề về mạch lạc văn bản trong bài làm văn của
học sinh phổ thông” làm đề tài luận án, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với các
phương pháp sau.
4.1.1. Phương pháp thống kê
Đối với luận án này, chúng tôi dùng chương trình SPSS để xử lý mẫu và cho
xuất các bảng thống kê về lỗi từ bài làm văn của học sinh.
4.1.2. Phương pháp phân tích ngôn ngữ học
a. Phân tích lỗi
Luận án thực hiện quá trình phân tích lỗi thông thường mà các nhà nghiên cứu
sử dụng: nhận diện (recognition), thông hiểu (interpretation), khôi phục
(reconstruction), phân loại (classification) và giải thích (explanation).
- Nhận diện: lỗi được xác định phụ thuộc vào tiêu chuẩn của sự thể hiện. Tiểu
chuẩn này phụ thuộc vào trình độ, năng lực, động cơ… của người học.
- Thông hiểu: điều cốt lõi của sự thông hiểu là kiến thức về tiếng Việt, về ngữ
cảnh mà người viết, người đọc sử dụng để cùng nhận định lỗi.
- Khôi phục: giải thích cho người viết hiểu được cách diễn đạt như vậy chưa
phù hợp với nội dung mà họ muốn thể hiện và hướng dẫn cách khôi phục.
- Phân loại: dựa vào quy tắc dùng từ, đặt câu, dựng đoạn của tiếng Việt để
phân loại lỗi.