Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.48 MB, 136 trang )
Những phong tục tín ngưỡng liên quan đến chống tà ma, bảo vệ nhà ở
vẫn còn rõ nét, ngõ vào không bao giờ đi thẳng vào nhà, phải đi xiên hoặc bẻ
góc để tránh ma quỉ, ác khí đi vào nhà. Tránh đòn nóc nhà khác đâm thẳng
vào nhà mình, trường hợp bất khả kháng người ta treo con dao ở mái hiên đề
phòng ma quỉ, ác thần. Tránh mái đao đình đâm vào nhà. Chọn những gian
nhà số lẻ, năm tuổi số lẻ. Những tín ngưỡng ở đây được xem như là một biện
pháp phòng ngừa, người ta cần sự can thiệp của thần linh, của thánh để cho tất
cả những người sống trong ngôi nhà mới xây được khỏe mạnh, bình yên.
Từ năm 1954, sau khi hoà bình trở lại, nông thôn miền Bắc đã thay đổi
nhiều về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa: cơ cấu chính trị xã hội chủ
nghĩa, cải cách ruộng đất, đổi mới phong tục tập quán, con người mới, đời
sống mới, sự bài trừ mê tín dị đoan ở nông thôn.
2.2.2. Lễ thức cá nhân
2.2.2.1 Sinh đẻ
Phụ nữ trong thời kỳ thai nghén phải kiêng kỵ nhiều thứ: không ăn thịt
chó, đồ cay, nóng để cho thai nhi được mát, không ngồi lệch sợ con không
đứng đắn. Phụ nữ mang thai kiêng không đi đến chỗ ma chay, cất mả vì sợ về
sau con cái hay phiền muộn. Các bà chửa cũng kiêng xem các bà đẻ, khi chửa
họ thường không đi thăm người đẻ, dù là anh em, họ hàng vì sợ bị đẻ non.
Trong khi vợ có thai, các ông chồng cũng phải tránh cắt tiết gà, vịt…để
tránh sát sinh, sợ ảnh hưởng không tốt đến con trong bụng.
Phụ nữ mới sinh phải kiêng gió, nước trong thời gian khoảng 1 tháng.
Sau đó dùng lá xông làm sạch người, đẻ xong kiêng tắm cọ kị lâu vì sợ vì sau
gân xanh nổi lên nhiều ở chân, tay. Bà đẻ cũng kiêng ăn cá mè, đồ ăn lạnh,
món ăn tốt nhất mà “lành tính” với các bà đẻ là ăn cơm với muối (đối với
những nhà nghèo, không có điều kiện), ăn cơm với trứng gà luộc, ngày nay
khi điều kiện cuộc sống khá hơn, họ ăn cơm với thịt nạc rang với nghệ để bổ
máu. Phụ nữ mới sinh đang ngồi trong nhà mà có ai gọi vọng vào không được
67
thưa, vì sợ sau này con nói ngọng và bà mẹ bị nói nhịu. Người mẹ sinh con ít
sữa ăn móng giò lợn hoặc lấy nầm lợn luộc chín để ăn.
Ở Vạn Phúc sau khi đứa trẻ ra đời, người ta làm lễ cúng cho trẻ. Ông bà
ta xưa quan niệm rằng: Đứa trẻ được sinh ra là do bà mụ nặn ra ban cho. Vì
vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng, đầy năm;
bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin
các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.
Nếu trẻ nhỏ hay khóc đêm, người ta để đôi đũa cả, con dao ở đầu
giường, nếu đứa trẻ vẫn cứ khóc, người ta lấy cái nón cũ đốt vía đốt van dữ
cho trẻ khỏi khóc. Trẻ nhỏ độ 2 hay 3 tuổi, khi cho trẻ đi đâu chơi người ta
thường cầm theo con dao hoặc chiếc đũa để xua đuổi tà ma.
2.2.2.2 Hôn lễ
Hôn nhân là việc đại sự, hệ trọng đối với mỗi con người. Con người ta
sinh ra, theo quy luật cuộc đời, sinh ra lớn lên, đến tuổi trưởng thành thì dựng
vợ gả chồng. Qua nghiên cứu tộc phả họ Đỗ, chúng tôi thấy, 90% trai/ gái
trong họ lấy người làng và chủ yếu lấy người họ Nguyễn. Cụ thể hôn nhân
được tiến hành gồm các bước như sau:
Đầu tiên là lễ chạm ngõ hay còn gọi là lễ nạp thái (đạo Thiên chúa gọi
là lễ vấn danh): Đại diện nhà trai gồm ông trưởng họ, bố mẹ nhà trai, chú rể
mang lễ gồm 10 quả cau, một lạng chè, một ít kẹo bánh đến nhà gái. Lễ chạm
ngõ thường được tiến hành trước khi cưới một tháng trở lên. Lễ chạm ngõ
được coi như một “lời thông báo” cho làng xóm biết con gái /trai của gia đình
ông/bà này đã “có nơi có chốn”.
Sau lễ chạm ngõ là lễ nạp cát, tức là ngày nhà trai mang trầu cau, chè
đến nhà gái để thống nhất ngày ăn hỏi và ngày cưới. Ngày cưới và ăn hỏi theo
tục lệ từ xa xưa là “lấy vợ xem tuổi đàn bà”, cho nên người ta xem ngày cưới
dựa theo tuổi cô dâu để chọn ngày lành tháng tốt (thường là ngày chẵn).
68
Lễ ăn hỏi được tiến hành tại nhà gái. Lễ vật là do nhà gái thách lễ, căn
cứ vào họ to, họ nhỏ mà nhà gái thách. Thông thường, lễ gồm một buồng cau,
chè, mứt sen, bánh cốm, bánh phu thê, rượu.
Ngoài ra, nhà trai còn đưa nhà gái lễ mặn (lễ nạp tài), để nhờ nhà gái
làm cho mấy mâm cỗ cúng lễ tổ tiên. Ngày xưa, thách tính theo mâm dựa theo
số lượng họ hàng: thách lợn, gạo nếp, rượu…nhưng người Vạn Phúc thách
theo số chẵn: 2, 4, 6, 10, 16, 40…Vì họ quan niệm số chẵn như đũa có đôi, tốt
lành may mắn, quan niệm này khác với quan niệm của một số nơi khác, coi
trọng số lẻ (như ở làng Đường Lâm – Sơn Tây). Tiền nạp tài cũng phải để vào
số phong bao chẵn, và phải để thêm một số tiền lẻ vào, ý nghĩa là sự sinh sôi
này nở, lãi mẹ đẻ lãi con, tốt lành, may mắn. Những gia đình có điều kiện còn
thách thêm đôi khuyên tai, vì khi mẹ chồng đeo khuyên tai cho cô dâu tức là
thể hiện sự đồng ý hôn sự cho con mình.
Sau lễ ăn hỏi, việc chuẩn bị đám cưới được tiến hành theo ngày đã
chọn. Ở Vạn Phúc, đám cưới có đặc trưng riêng của làng dệt, do giữ nghề dệt,
đất đai không bán cho người ngoài nên trước đây có phong tục chỉ lấy người
làng. Ngày nay, tục này đã thay đổi nhiều, trai gái vẫn lấy vợ hay chồng thiên
hạ. Trước những năm 1930, ở làng có phong tục nhà chú rể phải xây 5 đến 10
mét đường lát gạch cho làng. Đoàn đi đón dâu được tính số lượng người theo
số chẵn, đoàn phải có cụ ông, cụ bà, người cao tuổi, trung niên, thanh niên
nam nữ, trai gái, trẻ nhỏ. Những người được chọn đi đón dâu phải là những
người khỏe mạnh, có đạo đức. Tục này vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Lễ
cưới ở làng Vạn Phúc nay vẫn còn giữ tục chọn người trải chiếu trong đêm
tân hôn. Người được chọn trải chiếu cho đôi vợ chồng trẻ phải là người khỏe
mạnh, song toàn, đức độ, có cả con trai và con gái, người Vạn Phúc có tục
này để cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều may mắn, con cái đề huề, có
nếp có tẻ, sống bình an, hạnh phúc.
69
Làng Vạn Phúc có tập tục khác với mọi làng khác là không tổ chức ăn
lễ lại mặt. Nguyên nhân vì: Xưa con gái làng lấy chồng làng phải nộp treo
tiền 1 đồng 2 hào 2 xu và 6 viên gạch bát. Nếu lấy chồng nơi khác tiền treo
gấp đôi 2 đồng 4 hào 4 xu kèm theo 12 viên gạch bát. Nộp treo có Hộ lại, Thủ
quỹ, ông Từ chứng kiến. Làng Vạn Phúc nghề nông nghiệp ít, nghề thủ công
chiếm tới 2/3 dân số, tạo ra một mối quan hệ gắn bó rất mật thiết trong nghề
nghiệp, gần gũi trong lúc mua tơ bán hàng nên có kiểu dặn dò, hứa hẹn, xí
phần, xí chỗ làm dâu da khi các con còn thơ ấu. Thế nên, xưa kia cơi trầu
chạm ngõ khi con cái ở tuổi 11, 12. Tuổi kết hôn là 15 – 17 tuổi, tuổi này so
với ngày xưa vừa tốt vừa đẹp, được anh được ả được cả đôi bên, nhưng so với
nghề dệt mới chỉ là tuổi tập sự, giúp việc cho người lớn. Cưới chính thức về
nhà chồng: 19 – 20 tuổi. Thế nên Vạn Phúc có tập tục lạ: như các nơi là con
dâu về ăn làm tại gia đình nhà chồng ngay, nhưng ở đây nhanh nhất cũng phải
1 năm, trung bình 2 năm, đặc biệt có khi tới 3 năm mới chính thức về nhà
chồng. Với lý do, xưa cưới đa phần tuổi còn ít, nên việc làm về nghề dệt chưa
được thành thạo, nét ăn nét nói năng cư xử trong gia đình ngoài xóm còn
vụng về. Việc dạy dỗ của cha mẹ chưa được đến nơi đến chốn nên gia đình
nhà gái xin khất gia đình nhà trai, cho cô dâu ở lại một thời gian để gia đình
dạy bảo thêm và kèm cặp cô dâu về nghề nghiệp. Trong khoảng thời gian chờ
đợi đó bên nhà trai lại phải tuân theo các tập tục cứ hàng năm hai lần con rể
phải có 2 lễ đi sêu nhà vợ.
2.2.2.3 Tang ma
Tang ma với những nghi lễ, phong tục gắn liền với những nhận thức về
tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng. Cuộc đời con người ngắn ngủi, rồi ai
cũng phải trở về với đất mẹ khi tắt hơi thở cuối cùng.
Ở Vạn Phúc tang ma được thể hiện qua các bước nghi lễ sau:
70
Trước khi khâm liệm, người chết phải được làm lễ mộc dục: dùng nước
thơm để tắm gội, lau rửa người, chân tay cho người quá cố. Sau đó mặc quần
áo mới, đi tất chân, tất tay (để khi cất mả xương cốt không bị mất).
Tiếp theo là lễ phạm hàm: Nếu là mẹ thì cho 9 hạt muối, 9 hạt gạo vào
mồm và 9 đồng tiền chinh vào bao tượng hoặc thắt lưng. Nếu là cha thì cho 7
hạt muối, 7 hạt gạo vào mồm, 7 đồng tiền bỏ vào túi áo. Nhà giàu cho thêm cả
vàng ngọc vào miệng người chết (khi vừa chết xong, để chiếc đũa ngang
miệng để giữ cho miệng há ra còn cho các đồ vào miệng). Vì quan niệm cho
rằng muối và gạo giúp người chết không bị đói, đồng thời cũng có tác dụng
không cho khí độc trong cơ thể người chết thoát ra ngoài. Tiền, vàng để cung
cấp vốn cho người chết dưới âm phủ, cũng là tiền để người chết đi đò.
Gia chủ phải mời thầy cúng xem giờ nhập quan, phát tang, thời gian
viếng, lễ an táng. Các cụ cao tuổi trong làng trên 70 tuổi, phải để từ hai ngày
trở lên mới đem chôn để con cái còn báo hiếu, nhà nào mà chôn ngay bị dân
làng chê cười là muốn tống táng bố mẹ đi, mang tiếng bất hiếu.
Trước khi nhập quan, thầy cúng đến cử hành lễ phạt mộc, lễ này nhằm
để xử trảm các con sâu trùng, ma quỷ nhập vào gỗ ván. Quan tài được lót một
mảnh lưới bên dưới, quần áo, tư trang của người chết được xếp hai bên. Con
cái bỏ tiền lẻ vào quan tài để cấp tiền đi đò cho người quá cố. Có nhà đưa cả
bộ tổ tôm 120 cây vào quan tài, nhưng phải loại bỏ yêu, sách, vì họ quan niệm
sẽ có quân theo hầu hạ, hướng dẫn đưa đường người chết dưới suối vàng.
Cử hành lễ phát tang. Con trai đội mũ rơm, mặc áo xô, dây chuối (dây
rơm) thắt ngang lưng; chống gậy tre đối với cha mất; đối với mẹ mất chống
gậy tầm vông. Con gái, con dâu mặc áo xô, khăn xô, mũ chụp, thắt dây chuối
ngang lưng. Con rể thì khăn trắng thắt nút đằng sau.
Để làm cho linh hồn người chết được tiêu sinh, thầy cúng làm lễ phục
hồn. Phải có một cành phan để Phật đưa vong linh hồn về bên kia Tây chúc.
71
Có hai dọc chuối để làm cành thang gồm 3 bậc. Phục hồn xong mới phúng
viếng. Ngày xưa phúng viếng cũng có quy định rõ. Hàng chi dưới người chết
phúng viếng mâm xôi, thủ lợn. Dâu da phúng viếng câu đối, hoặc bạn bè đa
số viếng câu đối. Còn bà con, họ mạc, xóm làng viếng hương nến trầu cau.
Lễ truy điệu: Xưa, các cụ tuổi cao từ 70 tuổi trở lên mời phường bát âm
và phường ngũ lôi. Dưới 70 tuổi mời phường bát âm. Những ai chết trẻ dưới
40 tuổi thì một kèn, một nhị, một trống bản. Chết yểu thì không có kèn trống.
Theo lễ giáo cha đưa, mẹ đón. Mẹ mất, con trai chống gậy đi giật lùi từ nhà ra
tới huyệt. Nếu cha mất, con trai chống gậy đi theo quan tài. Theo tục lệ làng,
bất cứ đám ma nào qua cửa đình đều im lặng kèn trống, khóc lóc, đòn tang hạ
thấp xuống. Khỏi cửa đình lại tiếp tục bình thường. Khi quan tài ra khỏi cổng
làng, các con gái lớn, con gái thứ, đến dâu trưởng, dâu thứ lần lượt lăn đường
từ cổng ra tới cống gạch mới thôi. Việc chôn cất cũng không quy định địa
điểm chôn, nhưng phần lớn dân ở xóm Ngoài đặt tại cánh đồng Điền, cánh
đồng Miễu, còn xóm Trong, xóm Quán đặt tại cánh đồng Niêu, cánh đồng
Ninh, cánh đồng Bồ Nâu, có lẽ để thuận tiện việc trông nom mồ mả.
Xong tiếp tục đưa linh hồn về nhà trai trưởng để thờ. Khi đưa về nghi
thức cũng như lúc đưa. Tới nhà, tổ chức lễ an vị, rước chân dung từ xe linh xa
vào bàn linh sàng dùng để thắp hương người chết trong 49 ngày.
Đám tang kết thúc, gia chủ có lời cảm tạ hàng giáp, các phường, các vãi
bà con xóm làng tới chia buồn và tiễn đưa người chết tới nơi an nghỉ cuối
cùng, được mồ yên, mả đẹp, xin mời toàn thể ăn với gia đình bữa cơm nhạt.
Nghĩa tử là nghĩa tận, đưa ma xong, còn các lễ cúng sau:
Người chết sau 3 ngày làm cúng 3 ngày gọi là cúng cơm mời vong linh
hồn về xơi cơm để cho vong linh hồn biết là mình đã chết, đã đưa thi hài về
nơi an nghỉ, hồn đã về với thần xác.
72
Ở Vạn Phúc còn tổ chức lễ tống thần cho người sau khi chết: phần hồn
chết, nhưng thần linh giữ bản mệnh không chết nên phải làm lễ tống thần, mời
ra khỏi nhà gia chủ để cho con cháu làm ăn thuận lợi.
Cúng 49 ngày: gọi là tứ cửu hay thất thất lai tuần. Lễ 49 ngày rất quan
trọng, gia chủ phải lo lắng tương đối nặng nề, ăn uống lễ bái ở trong nhà, sửa
sang lễ trên mộ, sắp xếp đồ lễ nhà chùa để hầu hạ cửa Phật.
Lễ 100 ngày: đơn giản hơn lễ 49 ngày, chỉ làm cơm mời anh em trong
gia đình và nội tộc.
Giỗ đầu và giỗ đoạn tang: Giỗ đầu là giỗ đầy năm người mất. Còn giỗ
đoạn tang thông thường là 3 năm hết trở và bốc mộ. Bốc mộ, các gia đình
xem ngày giờ bốc, hạ tiểu. Nhưng nhà nào bị trùng tang nghĩa là trong nội tộc
có người chết chưa đủ 3 năm lại có người chết tiếp thì hoãn bốc mộ.
2.2.3 Lễ thức cộng đồng
2.2.3.1 Lễ hội Đền phường cửi
Đây là lễ hội to nhất vào đầu năm của những người làm nghề dệt ở Vạn
Phúc để tỏ lòng biết ơn Thánh sư đã truyền dạy nghề cho dân làng. Lễ thánh
sư được coi là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội.
Lễ Thánh sư được tổ chức hai lần trong năm từ ngày 5 đến ngày 8
tháng Giêng và ngày 9 đến 11 tháng 8. Chủ trì hoạt động trong những ngày
này là phường cửi và các thành viên của phường cửi. Phường cửi của Vạn
Phúc được chia thành 5 nhóm, theo 5 xóm, các xóm có nhiệm vụ thay nhau
đảm bảo tổ chức lễ hội. Chi phí tổ chức lễ hội do các nhóm quyên góp. Sau
khi cúng tế, gia đình nào đã gia nhập phường cửi thì được chia phần xôi thịt.
Đền phường cửi còn là nơi diễn ra các thể thức gia nhập phưởng cửi.
Thông thường, các gia đình muốn làm nghề dệt thường lễ ở đền phường cửi
trước rồi mới bắt đầu làm nghề. Lễ hội còn là dịp người Vạn Phúc trình diễn
những bộ quần áo mới do chính họ dệt nên và cũng là dịp được vui chơi thoải
73
mái sau một năm lao động vất vả. Trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi như:
Thò lò, xóc đĩa, chọi gà, đấu vật, thi hát…
Như vậy, phường cửi Vạn Phúc không chỉ lo việc tổ chức dệt lụa mà
còn có nhiệm vụ quan trọng là tổ chức lễ thánh sư. Trong ngày hội đền
phường cửi, ngoài các thành viên trong phường còn thu hút đông đảo nhân
dân trong và ngoài làng tham gia hội hè.
2.2.3.2 Hội làng
Ảnh chụp 10: Đình Vạn Phúc trong ngày hội làng
Hội làng là lễ hội lớn nhất ở Vạn Phúc. Ngày 13 tháng Giêng Âm lịch
là ngày chính hội nhưng từ ngày mồng 10, người ta đã mang các sắc phong ra
phơi. Sau đó những sắc phong này được mang xuống miếu để tế lễ.
Làng Vạn Phúc cũng giống như bao làng quê khác ở Bắc Bộ, dịp lễ hội,
dân làng nhộn nhịp mua sắm vật dụng để tế lễ ngoài đình và trong nhà. Khác
với hội đền phường cửi dành cho những người thợ dệt, hội làng ai cũng có
74
quyền tham gia, cả nông dân, thợ rèn, người buôn bán…Không chỉ người dân
Vạn Phúc tham gia mà còn có cả khách nơi xa cũng về làng tham gia lễ hội.
Hoạt động chính trong ngày lễ hội vẫn mang tính chất nghề nghiệp, bởi
nghề dệt là nguồn sống chính của làng. Ngày vào đám Đức Thánh Bà, cả làng
đều ra đình lễ. Đức Thánh Bà không ưa hát chèo nên trong những ngày diễn
ra lễ hội từ xưa đến nay đều chỉ mời nhà trò và “nhà tơ” về biểu diễn.
Ngày 11 tháng Giêng người ta rước sách những đồ dùng của Thành
Hoàng làng Ả Lã Đê Nương gồm: Thúng nước, vạch, cái kéo từ đình xuống
miếu để đón bà lên đình vui hội với dân làng. Đến ngày 16 tháng Giêng, hội
giã đám, người ta lại rước trả bà về miếu. Việc tế lễ ở đình là do 14 giáp trong
làng thay nhau đảm nhiệm.
Cũng trong ngày lễ hội làng, các cụ ở Vạn Phúc tổ chức ngày “Chầu tế
cả” mừng thọ các cụ 60 tuổi trở lên. Làng quy định những cụ nào đến 60 tuổi
phải có một con lợn và một yến gạo mang ra đình lễ, sau đó tổ chức ăn mừng,
khao làng chia cho 14 giáp.
Lễ hội đền phường cửi và hội làng là những sinh hoạt truyền thống của
người dân Vạn Phúc mang tính chất vui chơi giải trí, củng cố tình đoàn kết
trong cộng đồng các gia đình, dòng họ trong làng. Do Vạn Phúc làm nghề dệt
nên lễ hội mang đậm tính chất nghề nghiệp. Ngoài việc tỏ lòng biết ơn, cầu
mong dân an vật thịnh, nghề nghiệp phát đạt còn có ý khoe tài, khoe khéo của
người Vạn Phúc ngay trên những bộ lễ phục họ mặc trong ngày hội. Quy mô
của hai hội chứng tỏ đức Đương Cảnh Thành Hoàng có ảnh hưởng sâu sắc tới
đời sống sinh hoạt văn hóa của làng Vạn Phúc.
Lễ hội đền Phường cửi và hội làng thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của
dân làng Vạn Phúc. Vị thần trong tín ngưỡng của người Vạn Phúc là bà Ả Lã
Đê Nương – thành hoàng làng và là bà tổ nghề dệt.
2.2.3.3 Tín ngưỡng thờ Nhân thần
75
* Văn chỉ có hai nơi thờ:
+ Thờ Đức Khổng Tử và 4 vị học trò: Nhan Uyên, Tử Tư, Tăng Sâm,
Mạnh Kha để nhớ ơn các bị đã dạy chữ và nhất là dạy đạo đức làm người mà
học trò được học qua sách chữ Hán sang. Ở Văn Chỉ, các cụ xuân thu nhị kỳ
làm lễ xôi gà, oản quả.
+ Thờ thần nông dạy dân nghề nông. Xuân thu nhị kỳ có làm lễ xôi gà.
* Từ Vũ cũng có hai nơi thờ:
+ Thờ tiên hiền: Đền này do Hội Tư Văn lập ra để thờ các vị tiên hiền,
các vị khoa mục trong xã, để nhớ ơn các vị đã dẫn dắt con cháu học hành.
Xuân thu nhị kỳ có làm lễ xôi gà.
+ Thờ tiên sư nghề rèn: Đền này do các ông trong làng có nghề rèn lập
nên để thờ ông tổ sư nghề rèn để tỏ lòng biết ơn tổ sư đã dạy nghề.
2.2.3.4 Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
* Các dòng họ: Các dòng họ trong xã như họ Nguyễn, họ Lê, họ
Đỗ…đều có nhà thờ họ. Khi họ đông con cháu thì chia ra ngành, ra chi để tiện
việc thờ cúng. Nhưng các họ vẫn tổ chức giỗ họ, giỗ cụ tổ họ để một mặt ngày
giỗ là ngày nhớ ơn cụ tổ đã sinh ra con cháu trong họ, mặt khác là dịp các con
các cháu cùng một ông tổ sinh ra gặp mặt nhau, tình cảm thêm thắm thiết.
Ngày giỗ họ con cháu phải đóng góp, nhưng không tốn kém, các đầu chi làm
một con gà, một mâm xôi, cỗ bàn đơn sơ.
* Gia đình:
Gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên, cụ kỵ, ông bà, cha mẹ. Thờ cúng
tổ tiên bắt nguồn từ đạo lý truyền thống của người Việt “uống nước nhớ
nguồn”, kính trọng, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ sinh thành ra mình. Mối
quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa người sống và người chết
vẫn tiếp tục theo quy luật đạo đức, tình cảm giữa người với người của dân tộc
Việt Nam.
76
Với quan niệm cái chết không có nghĩa là hết, tuy người chết về với tổ
tiên ở một thế giới khác nhưng linh hồn của họ vẫn trông nom, phù hộ cho
con cháu và ngự trên ban thờ theo dõi, bảo vệ cho con cháu. Người dân Vạn
Phúc coi trọng hơn cả là ngày giỗ (ngày mất) của người đã khuất. Giỗ ông bà,
bố mẹ đa số làm tại gia đình con trai trưởng.
Ngoài cúng giỗ vào ngày mất, nghi thức thờ cúng tổ tiên được diễn ra
vào ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng hoặc là vào những ngày: Tết mồng
3 tháng 3; tết Đoan Ngọ, rằm tháng 7; tết Trung thu…và Tết Nguyên Đán.
Khi gia đình có việc để báo cáo tổ tiên như dựng vợ gả chồng cho con
cái; sinh con…hoặc được mong phù hộ độ trì như đi làm ăn xa, đi đường bình
an, làm nhà dựng cửa; thi cử đỗ đạt...gia chủ sắm lễ, thắp hương cầu khấn là
tổ tiên sẽ phù cho.
Bàn thờ tổ tiên được đặt ở nơi trang trọng nhất: chính giữa ngôi nhà.
Việc cúng lễ tổ tiên trong gia đình bao giờ cũng do người đàn ông đảm
nhiệm. Khi cúng lễ, người cúng phải khăn áo chỉnh tề. Hương thắp trên bàn
thờ bao giờ cũng theo số lẻ: một, ba, năm…nén (số lẻ thuộc về âm).
Thờ cúng tổ tiên là một hoạt động tín ngưỡng quan trọng trong đời
sống văn hóa của người Vạn Phúc. Nó góp phần thắt chặt hơn sợi dây huyết
thống giữa các cá nhân trong gia đình, giữa tổ tiên (thế hệ đi trước) và con
cháu (thế hệ nối tiếp sau). Thờ cúng tổ tiên thể hiện truyền thống đạo đức tốt
đẹp của người dân Vạn Phúc.
2.2.3.5 Lễ mừng đón sắc
Trong dịp vua mới lên ngôi vua thường ban thưởng sắc phong cho các
thần thêm một số mỹ tự. Thành hoàng làng Vạn Phúc được phong thêm mỹ tự
“thượng đẳng thần”. Thành hoàng làng Vạn Phúc được thưởng 11 sắc. Mỗi
lần đón nhận sắc, làng lại làm lễ mừng. Khi làng tổ chức lĩnh sắc thì rước sắc
từ tỉnh rồi rước bằng thuyền về miếu. Sắc rước về đến miếu, dùng giấy vàng
77