Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.1 MB, 154 trang )
41
Năm 2010, Canivano và cộng sự thực hiện nghiên cứu phân tích tổng
hợp về tần xuất, cơ chế kháng aspirin liên quan đến các biến cố tắc mạch do
huyết khối. Dữ liệu được tổng hợp từ 33 nghiên cứu trên MEDLINE,
EMBASE, Cochrane và PUBMED cho đến tháng 11/2008 (ấn bản tiếng Anh
hoặc tiếng Tây Ban Nha). Tỷ lệ kháng aspirin là 0% đến 57% trong phân tích
tổng hợp. Kháng aspirin làm tăng các biến cố tim mạch so với bệnh nhân
không kháng aspirin, tần xuất biến cố tim mạch liên quan với kháng aspirin
cao hơn ở các nghiên cứu cắt ngang so với các nghiên cứu tiến cứu (OR =
3,12; 95%CI = 2,40 – 4,06 so sánh với OR = 1,75; 95%CI = 1,35 – 2,28;
p=0,005). Một số nghiên cứu thấy kháng aspirin có liên quan đến hút thuốc
lá, giới nữ, tuổi cao, béo phì và rối loạn lipid máu. Tỷ lệ kháng aspirin thấp
hơn ở bệnh nhân bệnh động mạch vành và bệnh nhân suy tim [44].
Năm 2011, Topcuoglu và cộng sự đánh giá tổng hợp về kháng aspirin
trên bệnh nhân đột quỵ. Tỷ lệ kháng aspirin trên bệnh nhân đột quỵ hoặc
thiếu máu não thoáng qua là 3% - 85% và kháng clopidogrel là 28% - 44%.
Nhiều yếu tố kỹ thuật và lâm sàng ảnh hưởng đến tỷ lệ kháng aspirin như tư
thế lấy máu, chất lượng lấy máu, phản ứng tiểu cầu với chấn thương nội mạc
xảy ra trong quá trình lấy máu, thời gian lấy máu trong ngày, điều kiện vận
chuyển mẫu máu, số lượng tiểu cầu, sự huyết tán, tập thể dục, hút thuốc lá,
tuổi, giới tính, sự hiện diện của nhiễm trùng, béo phì, tình trạng kiểm soát
đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường, nồng độ hemoglobin máu, nồng độ
cholesterol và triglycerid trong huyết thanh, sử dụng đồng thời các thuốc có
ảnh hưởng đến ngưng tập tiểu cầu [130].
Năm 2013, Kasmeridis và cộng sự đánh giá tổng hợp về kháng aspirin
trên bệnh nhân BMV. Nhóm nghiên cứu thấy tỷ lệ kháng aspirin dao động từ
6,7% khi sử dụng phương pháp VerifyNow-Aspirin đến 59,5% khi sử dụng
phương pháp PFA-100. Ước tính tỷ lệ kháng aspirin trên lâm sàng là 13%
dựa trên tỷ lệ bệnh nhân cần dùng aspirin trong thực tế [81].
42
Năm 2013, Mijajlovic đánh giá tổng hợp về kháng aspirin và
clopidogrel trên lâm sàng. Tỷ lệ thất bại với aspirin trên lâm sàng là 5,5% đến
60%. Biến thiên do có bệnh khác nhau, liều aspirin khác nhau và phương
pháp khác nhau. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng cho việc
thống nhất một phương pháp để xác định kháng aspirin trong thực tế [96].
Năm 2013, Simpson và cộng sự phân tích tổng hợp về kháng aspirin
trên bệnh nhân đái tháo đường từ dữ liệu điện tử (MEDLINE, EMBASE,
International Pharmaceutical) đến 31/05/2013. Có 31 nghiên cứu (3 nghiên
cứu ngẫu nhiên, 8 nghiên cứu hồi cứu, 20 nghiên cứu cắt ngang) với 2147
bệnh nhân. Phương pháp LTA được sử dụng trong 15 nghiên cứu, thiết bị
PFA-100 với 11 nghiên cứu, 4 nghiên cứu với RPFA hoặc VerifyNowAspirin, 1 nghiên cứu với TXB2. Tỷ lệ kháng aspirin dao động từ 3% đến
59%. Tỷ lệ chung ước tính trên bệnh nhân đái tháo đường là 21,9% (95%CI =
15,2% - 28,5%) và 15,8% (95%CI = 11,4% - 20,3%) trên bệnh nhân không
đái tháo đường. Tỷ lệ kháng aspirin liên quan đến liều aspirin, với 398/1689
bệnh nhân đái tháo đường (23,6%) điều trị aspirin với liều nhỏ hơn 100
mg/ngày so với 64/518 bệnh nhân đái tháo đường (12,3%) điều trị aspirin với
liều 100-325 mg/ngày (RR = 1,70; 95%CI = 1,07 – 2,72). Có đến 1 phần 4
bệnh nhân đái tháo đường có kháng aspirin liên quan với liều aspirin thông
thường (nhỏ hơn 100mg/ngày. Bệnh nhân đái tháo đường có tỷ lệ kháng
aspirin cao hơn 36% so với bệnh nhân không đái tháo đường. Tỷ lệ kháng
aspirin thay đổi theo liều aspirin sử dụng, bệnh nhân đái tháo đường điều trị
aspirin liều nhỏ hơn 100 mg/ngày có tỷ lệ kháng aspirin cao hơn 70% so với
bệnh nhân đái tháo đường điều trị aspirin với liều 101-325 mg/ngày [120].
1.3.2. Các nghiên cứu trong nước
43
Năm 1997, Nguyễn Thị Nữ và cộng sự nghiên cứu chỉ số NTTC ở
người Việt Nam trưởng thành bình thường trên 135 người (69 nam, 66 nữ).
Phương pháp đo LTA, sử dụng chất kích tập ADP 5µM và 10µM, collagen
1µM. Kết quả NTTC trung bình ở nam là 65,97 ± 7,10% với collagen, 66,69
± 6,25% với ADP 10µM và 47,36 ± 18,94% với ADP 5µM. NTTC trung
bình ở nữ là 65,06 ± 6,30% với collagen, 67,26 ± 6,80% với ADP 10µM và
51,62 ± 17,34% với ADP 5µM. Khác biệt về NTTC giữa nam và nữ là không
có ý nghĩa thống kê [16].
Năm 2000, Vũ Hồng Điệp và cộng sự nghiên cứu chỉ số NTTC ở người
cao tuổi trên 111 người 60-89 tuổi (69 người bình thường, 22 người có THA,
20 người thiếu năng lượng trường diễn). Kết quả NTTC với ADP 10µM ở
người bình thường là 62,03 ± 9,95%, không có sự khác biệt về giới và tuổi.
NTTC ở người THA là 67,18 ± 9,95%, ở người thiếu năng lượng trường diễn
72,70 ± 11,31%, cao hơn so với người bình thường (p <0,05) [2].
Năm 2004, Trương Quang Việt và cộng sự nghiên cứu NTTC ở người
cao tuổi THA tại bệnh viện Hữu Nghị cho thấy độ NTTC ở nhóm lớn hơn
hoặc bằng 75 tuổi cao hơn so với nhóm nhỏ hơn 75 tuổi. NTTC ở bệnh nhân
THA tăng cao hơn so với nhóm chứng có ý nghĩa thống kê, tăng theo thời
gian THA và tỷ lệ thuận với số cơ quan đích bị tổn thương (p <0,001) [28].
Năm 2004, Lý Tuấn Khải và cộng sự nghiên cứu NTTC với ADP và
collagen ở người bình thường trên 77 nam và 31 nữ, tuổi từ 20 tuổi đến 77
tuổi, với 3 phương pháp khác nhau (WBA, LTA và phương pháp trở kháng
dùng huyết tương giầu tiểu cầu). Với phương pháp WBA, NTTC trung bình ở
nam là 11,1 ± 4,0 Ohm và của nữ là 12,0 ± 2,9 Ohm. Với phương pháp LTA,
NTTC trung bình ở nam là 67,3 ± 16,9% và của nữ là 68,1 ± 19,8%. Với
phương pháp trở kháng dùng huyết tương giầu tiểu cầu, NTTC trung bình ở
nam là 51,7 ± 12,5 Ohm và của nữ là 38,9 ± 18,2 Ohm. Không có sự khác
biệt về giới của NTTC khi đo bằng các phương pháp khác nhau [8].
44
Năm 2005, Nguyễn Thị Nữ và cộng sự nghiên cứu NTTC với ADP trên
bệnh nhân THA có rối loạn lipid máu (200 bệnh nhân nhóm chứng và 108
bệnh nhân nhóm bệnh). Kết quả NTTC ở bệnh nhân THA có RLLP tăng có ý
nghĩa so với nhóm chứng (74,16 ± 7,45% so với 64,65 ± 8,22%). NTTC tăng
cao cả ở 3 nhóm rối loạn lipid máu, theo thứ tự tăng dần là týp IV, týp IIb và
týp IIa. Có mối liên quan thuận giữa tăng NTTC với cholesterol toàn phần và
LDL-C. Mức độ NTTC có liên quan chặt chẽ với mức độ nặng của tổn
thương cơ quan đích ở bệnh nhân THA [17].
Năm 2006, Lê Văn Thạch tìm hiểu NTTC ở người cao tuổi thấy độ
NTTC có mối liên quan tỷ lệ thuận với độ tuổi, cao nhất ở độ tuổi lớn hơn
hoặc bằng 75 tuổi (66,1 ± 2,3%), giảm hơn ở độ tuổi 60-74 (64,0 ± 4,2%),
thấp nhất ở độ tuổi 45-59 tuổi (62,3 ± 2,9%), p <0,05 [20].
Năm 2006, Lê Văn Thạch nghiên cứu thấy NTTC ở bệnh nhân THA có
hút thuốc lá tăng hơn so với bệnh nhân tăng THA không hút thuốc lá (tương
quan tuyến tính thuận, r = 0,53 với ADP, r = 0,49 với AA, r = 0,40 với
epinephrin, r = 0,37 với collagen) [21].
Năm 2007, Đào Thị Hồng Nga và cộng sự nghiên cứu NTTC với ADP
và collagen ở bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa lipid. Tác giả nhận thấy
NTTC tăng có ý nghĩa (p <0,01) ở bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa lipid ở
tất cả các týp so với nhóm chứng. Độ NTTC có mối tương quan thuận với
nồng độ triglycerid (r = 0,335 với ADP và r = 0,332 với collagen), nồng độ
cholesterol toàn phần (r = 0,304 với ADP) [14].
Năm 2008, Bùi Mạnh Hùng nghiên cứu NTTC với ADP ở bệnh nhân
đột quỵ cấp. Kết quả cho thấy có tăng NTTC ở bệnh nhân đột quỵ cấp phối
hợp với rối loạn chuyển hóa lipid. Có tương quan thuận giữa NTTC với
fibrinogen (r = 0,46), với tỷ lệ prothrombin (r = 0,44), với cholesterol
(r=0,52). Có mối tương quan nghịch với thời gian APTT (r = -0,32) [3].