Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.78 MB, 109 trang )
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
nghệ thuật, được sáng tạo theo những ước lệ của văn học. Ngay cả khi nhà
văn xây dựng nhân vật dựa khá sát vào nguyên mẫu, thậm chí giữ lại cả danh
tính của nguyên mẫu thì ta cũng không thể đồng nhất hai hiện tượng đó với
nhau” [20, tr.75]. Và, các dấu hiệu để người đọc có thể nhận biết được nhân
vật là: tên (đúng nghĩa hay ước định), đặc điểm diện mạo, tiểu sử, tính cách,
lời nói, hành động, số phận… Nhờ vậy mà chúng ta có thể đếm được số lượng
nhân vật hay tách riêng từng nhân vật để phân tích.
Nhân vật văn học là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự miêu tả thế giới
của văn học có được chiều sâu và tính hình tượng: “chức năng của nhân vật là
khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết,
những ước ao và kỳ vọng về con người” [19, tr.279]. Điều đó có nghĩa là nhân
vật văn học có chức năng miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội đồng
thời biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới và con người, tạo
nên mối liên hệ giữa các sự kiện trong tác phẩm.
Nhân vật trong tác phẩm văn học và các loại hình nghệ thuật thời gian
(như sân khấu, điện ảnh…) có đặc điểm riêng khác với nhân vật trong các loại
hình nghệ thuật không gian (như hội họa, điêu khắc, kiến trúc…): nó là một
chỉnh thể vận động trong không gian và thời gian. Nhân vật văn học luôn gắn
liền với cốt truyện và được miêu tả gắn với sự phát triển của cốt truyện. Bởi
vậy, tính cách nhân vật vận động, phát triển cùng với các mâu thuẫn, xung
đột, biến cố của cốt truyện – nhân vật văn học không phải là một thực thể tĩnh
tại. Đúng như nhận xét trong Từ điển thuật ngữ văn học: “Nhờ được miêu tả
qua xung đột mâu thuẫn nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân
vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong
không gian, thời gian, mang tính chất quá trình” [38, tr.203]. Có thể nói, tính
chất vận động và tính chất quá trình là đặc điểm quan trọng của nhân vật văn
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
48
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
học nói riêng và các loại hình nghệ thuật thời gian nói chung, khác với nhân
vật của nghệ thuật không gian.
Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương
tiện ngôn từ của nhà văn. Bởi vậy, nhân vật văn học cũng mang đặc điểm
quan trọng của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học nói chung: tính
chất phi vật thể của hình tượng ngôn từ. Ngôn từ - yếu tố vật chất “chứa
đựng” hình tượng của văn học là hệ thống các âm, các từ và các quy tắc ngữ
pháp tổ chức chúng. Trên thực tế, ngôn từ không hề miêu tả một cái gì, chúng
ta chỉ dùng sự suy nghĩ, óc tưởng tượng hình dung những người, những phong
cảnh, những vật, những sự kiện mà ngôn từ gợi lên. Bởi vậy, sử dụng ngôn từ
làm chất liệu xây dựng hình tượng, hình tượng văn học không thể tác động
trực tiếp vào giác quan người tiếp nhận. Tính chất “phi vật thể” 6 của hình
tượng văn học là đặc trưng nổi bật nhất khiến văn học được “tách” ra khỏi
các loại hình nghệ thuật khác trong cụm danh xưng “văn học nghệ thuật” như
một loại hình nghệ thuật độc đáo, khác biệt. Nếu hình tượng của hội họa, âm
nhạc, vũ đạo, sân khấu, điện ảnh, điêu khắc, kiến trúc… đều có thể được cảm
thụ trực tiếp bằng các giác quan thì hình tượng văn học chỉ có thể được tái tạo
nhờ vào sức mạnh của trí tưởng tượng, liên tưởng. Đó là bởi các từ ngữ chỉ
gắn bó bằng liên tưởng với các biểu tượng về các đối tượng được miêu tả, nó
“không có tính xác thực thị giác, không tương đồng về thị giác với cái được
nó biểu thị” [36, tr.392]. Nói cách khác, hình tượng của các loại hình nghệ
thuật khác là hình tượng xác thực hữu hình trực tiếp – hình tượng trực quan
trong khi hình tượng văn học là hình tượng gián tiếp, không trực quan, phi vật
thể. Đặc trưng này chi phối phương thức xây dựng, cách thức tác động và
những đặc điểm của quá trình tiếp nhận hình tượng văn học. Khi miêu tả, tái
6
Chữ dùng của Lessing trong Laokôôn hay là giới hạn của hội họa và thơ ca, NXB Văn học nghệ thuật
Matxcơva, 1957, trang 187.
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
49
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
hiện cuộc sống, nhà văn không muốn và cũng không thể thâu tóm tất cả hay
thậm chí phần lớn những đặc điểm, diện mạo của đối tượng mà phải có khả
năng phát hiện, chọn lọc được những cử chỉ, động tác, những trạng thái tâm
hồn gợi nên hình tượng. Mặt khác, trong quá trình sáng tác, nhà văn cũng trực
tiếp hướng tới sự cảm thụ ngoài giác quan của người đọc - hướng tới sự tưởng
tượng trí tuệ của họ. Bởi vậy, trong quá trình tiếp nhận văn học, tác phẩm văn
học phải tiếp tục tác động vào trí tưởng tượng của độc giả và độ mở của văn
học dành cho cảm nhận chủ quan của người tiếp nhận lớn hơn hẳn các loại
hình nghệ thuật khác. Đúng như Secnưxepki đã viết:“Tất cả mọi nghệ thuật
đều tác động trực tiếp tới giác quan giống như hiện thực sinh động, còn thơ thì
tác động vào trí tưởng tượng” 7. Hình tượng văn học trên văn bản bao giờ cũng
mang tính không trọn vẹn, tính lược đồ và nó chỉ được làm đầy, được hoàn
thiện nhờ vào tưởng tượng chủ quan của người tiếp nhận. Độc giả thực sự trở
thành đồng sáng tạo của nhà văn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện một
hình tượng văn học. Cùng một “bức tranh” nhân vật qua những “nét vẽ ngôn
từ” của nhà văn nhưng chắc chắn “hình ảnh” của nó trong tưởng tượng của
một trăm người sẽ khác nhau cả trăm. Tính không xác định của hình tượng
văn học khiến nó thua kém hẳn các nghệ thuật khác về sức mạnh và độ sáng
rõ của các ấn tượng chủ quan. Song bù lại điểm yếu đó, chất liệu ngôn từ cũng
mang lại cho văn học những khả năng vô tận của phạm vi nhận thức, tái hiện
đời sống. Văn học không tái hiện được các hình tượng hữu hình một cách trực
quan sinh động như các nghệ thuật khác song lại có khả năng làm “hiện hình”
những cái vốn vô hình bằng phương tiện ngôn từ. Tái hiện những gì mong
manh, mơ hồ, hư ảo và đặc biệt là thâm nhập vào những miền sâu kín nhất của
tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người là khả năng đặc thù của văn học.
Ngôn từ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, là vỏ vật chất của tư duy, “vốn
7
Secnưsepxki, Quan hệ thẩm mĩ của nghệ thuật đối với hiện thực.
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
50
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
trực tiếp thuộc về tinh thần và có khả năng hơn hết biểu đạt những quan tâm
và kích thích của tinh thần” (Hegel). Bởi vậy, dùng ngôn từ làm chất liệu, văn
học trở thành loại hình nghệ thuật duy nhất tái tạo được các quá trình tư duy
của con người, những ấn tượng, cảm xúc có khi mơ hồ, không rõ rệt hay phi
lí. Điều đặc biệt là ngôn từ trong văn học không chỉ là vật liệu để xây dựng
hình tượng mà còn như đối tượng miêu tả quan trọng nhất. Tái hiện những
phát ngôn của con người với tất cả các sắc thái cảm xúc của nó, nhà văn có
thể thâm nhập vào những miền sâu kín nhất của tâm hồn con người. Chỉ trong
sự miêu tả văn học, con người mới xuất hiện với tư cách người mang lời nói,
mới làm hiện hình con người tinh thần đầy đủ và rõ nét nhất. Như vậy, văn
học không có khả năng tái hiện một cách trực quan diện mạo, hành vi, cử chỉ
của con người nhưng lại rất thích hợp với việc miêu tả trực tiếp các quá trình
của đời sống tâm hồn trong mối liên hệ của chúng với hiện thực xung quanh.
Đó cũng chính là tính văn học của sự miêu tả nhân vật.
2.2. Nhân vật trong phim truyện điện ảnh
Khái niệm nhân vật trong phim truyện điện ảnh và trong tác phẩm văn
học tương đối giống nhau. Cũng như ở văn học, nhân vật là đối tượng miêu tả
chủ yếu và quan trọng nhất của tác phẩm điện ảnh. Phim truyện điện ảnh nhất
thiết phải có nhân vật, thậm chí nhân vật là yếu tố đầu tiên mà nhà biên kịch
phải nghĩ đến khi bắt tay vào viết kịch bản phim truyện: “Việc đầu tiên của
một tác phẩm là phải có những nhân vật sắc nét. Mọi thứ khác: chi tiết, tình
tiết, thủ thuật… sẽ đến sau.” (Colleen McCullough – nữ văn sĩ, nhà biên kịch
Ailen). Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cũng tổng kết kinh nghiệm của mình:
“Nói tóm lại, khi viết kịch bản nhất thiết phải có nhân vật, có thể là con người,
cũng có thể là con vật, đồ vật, thiên nhiên… Tuy nhiên, nếu như không nhằm
mục đích làm phim khoa học, giáo khoa thì nhất thiết con vật, đồ vật, cái thiên
nhiên đó phải mang hơi hám con người, phải lan tỏa, mang vác nỗi niềm của
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
51
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
con người” [15, tr.157]. Và “Dù với mục đích nào, một bộ phim không thể
không có nhân vật. Nhân vật có thể ví với cái hải tiêu mà nhà biên kịch bám
vào để phát triển cốt truyện phim” [15, tr.156]. Cùng chung quan điểm này,
nhà nghiên cứu David Bordwell và Kristin Thompson trong công trình Nghệ
thuật điện ảnh cũng khẳng định: “Trong bất cứ một phim tự sự nào kể cả
phim hư cấu hay phim tài liệu, các nhân vật đều tạo ra nguyên cớ và biểu hiện
kết quả. Trong hệ thống hình thức của phim, họ làm cho sự kiện xảy ra, làm
cho chúng méo mó và làm các sự kiện xoay ngược lại” [5, tr.99]. David
Bordwell và Kristin Thompson còn phân tích khá cụ thể những đặc điểm của
nhân vật trong phim truyện điện ảnh: “Trong phim tự sự, những nhân vật
mang nhiều đặc điểm. Họ thường có một hình thể…Các nhân vật cũng thường
có các đặc tính… Nhìn chung những đặc tính của nhân vật được xây dựng
nhằm đảm nhiệm vai trò tạo nguyên cớ trong phim tự sự. Đặc tính của nhân
vật có thể bao gồm thái độ, kỹ năng, khát vọng tâm lý, các chi tiết cụ thể về
trang phục và hình thể, và cả những phẩm chất đặc biệt khác mà bộ phim đã
tạo ra cho nhân vật…” [5, tr.99]. Có thể thấy, nhân vật trong phim truyện điện
ảnh vừa đóng vai trò tạo ra nguyên nhân sự kiện, vừa biểu hiện kết quả. Cũng
như trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nhân vật tạo ra diễn biến cốt truyện bởi
hành động của nhân vật thúc đẩy cốt truyện phát triển.
Nhân vật trong phim truyện điện ảnh cũng được chia làm nhiều loại:
nhân vật chính / nhân vật trung tâm / nhân vật phụ, nhân vật chính diện / nhân
vật phản diện… Về số lượng nhân vật, do đặc điểm đặc thù về thời gian trình
chiếu của phim truyện điện ảnh (90 phút đến 120 phút) nên nhân vật trong
phim cũng cần tập trung, không thể sử dụng quá nhiều nhân vật sẽ làm loãng
cốt truyện. Một bộ phim thông thường phải có một nhân vật chính, có thể là
nhân vật chính diện và cũng có thể là nhân vật phản diện. Tính cách, hành
động và các mối quan hệ của nhân vật chính sẽ làm nên đường dây chính của
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
52
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
cốt truyện phim và qua đó, chủ đề tư tưởng của bộ phim, thông điệp của tác
giả sẽ được gửi đến công chúng. Vậy, một bộ phim có thể có nhiều nhân vật
chính hay không? Về điểm này, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã tổng kết
kinh nghiệm: “… những bộ phim như vậy không nhiều, và xét về mặt nghệ
thuật, việc xây dựng đa nhân vật phải xuất phát thỏa đáng từ nội dung cốt
truyện hoặc chủ đề tư tưởng. Về kỹ thuật, việc xây dựng đa nhân vật đòi hỏi
nhà biên kịch phải có khả năng quán xuyến nhiều đường dây cùng lúc. Nếu
nhà biên kịch không điều hành các đường dây hợp lý – trên cơ sở đối chiếu, so
sánh, phản hồi giữa các nhân vật – thì sẽ dẫn đến tình trạng rối mù, khán giả
không biết phải “bám” vào ai để hiểu bộ phim” [15, tr.158]. Đây không chỉ là
kinh nghiệm mà đã trở thành “nguyên tắc” đối với các nhà biên kịch khi bắt
tay vào viết kịch bản phim truyện.
Nếu nhân vật văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, mang đậm
tính chất phi vật thể - tính không xác định – tính lược đồ của hình tượng ngôn
từ thì đặc điểm này hầu như trái ngược hoàn toàn với hình tượng nhân vật
trong phim truyện điện ảnh. Là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, tận dụng
được cả phương thức biểu đạt bằng âm thanh và hình ảnh, điện ảnh có thể trực
tiếp tác động cả vào thị giác và thính giác người tiếp nhận. Bởi vậy, hình
tượng điện ảnh có tính trực quan, sống động nhất trong các loại hình nghệ
thuật. Nó luôn hiện ra cụ thể, xác định và trọn vẹn trên màn ảnh. Phương thức
diễn đạt bằng hình ảnh, âm thanh đòi hỏi mọi đường nét tâm lý, tính cách
phức tạp, bí ẩn nhất của nhân vật đều phải được thể hiện ra bằng những gì
nhìn thấy được, nghe thấy được mà trước hết là bằng những hình ảnh thị giác
cụ thể nhất. Hình tượng điện ảnh trước hết là hình tượng thị giác. Nó thiên về
biểu hiện những “hoạt động bên ngoài” của nhân vật. Đời sống nội tâm,
những biến động tâm lý, tính cách… được “hiện hình hóa” một cách tối đa
thành những cử chỉ, điệu bộ, động tác, hành vi… có thể quan sát được. Lời
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
53
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
thoại trong điện ảnh gần gũi với ngôn từ văn học, cho phép nhà làm phim có
thể trình bày trực tiếp những suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật. Song, loại thoại
đó luôn bị hạn chế sử dụng trong tác phẩm điện ảnh. Thoại nói riêng và âm
thanh nói chung chỉ có vai trò cung cấp thông tin, bổ sung, phụ trợ cho hình
ảnh chứ không thay thế được diễn xuất hình ảnh. Việc lạm dụng thoại sẽ làm
giảm tính điện ảnh của phim. Trong ngôn ngữ điện ảnh, hình ảnh một đôi mắt
ngấn lệ, một khuôn ngực phập phồng, một gương mắt hoảng hốt… có sức
biểu đạt vô tận mà không ngôn từ nào thay thế được. Điện ảnh xây dựng hình
tượng nhân vật, diễn đạt tư tưởng của mình bằng hành động bên ngoài, bằng
hình ảnh thị giác.
2.3. Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh
từ góc nhìn nhân vật
2.3.1. Miêu tả nhân vật bằng ngôn ngữ điện ảnh
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, hình tượng nhân vật trong tác phẩm
văn học không thể tác động trực tiếp lên giác quan người tiếp nhận. Trên thực
tế, nhân vật văn học chỉ tồn tại trong suy nghĩ, trong sự tưởng tượng, liên
tưởng của người đọc dựa vào những miêu tả của nhà văn. Bởi vậy, hình tượng
văn học mang tính “không xác định”. Cùng một nhân vật văn học: nàng
Scarlett O’Hara (tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió), nàng Anna Katerina (tiểu
thuyết Anna Katerina), bác sĩ Zhivago (tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago), bố già
Vito "Don" Corleone (tiểu thuyết Bố già) hay cậu bé phù thủy thông minh
Harry Potter (bộ tiểu thuyết dài tập Harry Potter) … nhưng chắc chắn hình
dáng, gương mặt của nhân vật đó trong trí tưởng tượng của mỗi độc giả là
khác nhau, không ai giống ai. Trái lại, nhân vật điện ảnh luôn hiện ra cụ thể,
xác định và trọn vẹn trên màn ảnh (qua hình ảnh diễn viên thủ vai nhân vật
đó). Bởi vậy, khi xem phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, nhiều khán giả tỏ
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
54
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
ra bất bình, thậm chí phản ứng dữ dội khi thấy nhân vật trên phim có hình
dáng, diện mạo, phong thái, cử chỉ… không giống như tưởng tượng của mình.
Khi đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, dựa trên văn bản miêu tả của nhà văn, mỗi
độc giả đã tự “tuyển diễn viên”, tự “đạo diễn” một bộ phim trong trí tưởng
tượng của riêng mình và “nhân vật” trong những “bộ phim” ấy, ở trăm người
đều khác nhau cả trăm. Phim truyện chuyển thể được làm theo suy nghĩ, cảm
nhận của nhà đạo diễn; nhân vật trong phim do những diễn viên cụ thể thủ vai;
luôn hiện ra trực quan, sống động trên màn ảnh và chắc chắn sẽ không giống
với tưởng tượng chủ quan của riêng ai. Đây là một đặc điểm thú vị của quá
trình đưa nhân vật văn học lên màn ảnh.
Do sự khác biệt về chất liệu sử dụng nên phương pháp miêu tả nhân vật
trong điện ảnh và văn học cũng khác nhau. Hình tượng nhân vật văn học là
hình tượng ngôn từ. Hình tượng nhân vật trong điện ảnh là hình tượng thị giác.
Ngoại hình, tính cách và sự phát triển tính cách của nhân vật trong tác phẩm
điện ảnh phải được biểu hiện bằng các hình ảnh, hành động, các cử chỉ, điệu
bộ…, bằng những biểu hiện nhìn thấy được. Bởi vậy, từ công trình sáng tạo
của nhà văn, nhà làm phim phải hình ảnh hóa các miêu tả trong văn bản văn
học, xây dựng nhân vật của mình thông qua những hình ảnh thị giác chân thực,
sống động nhất. Ở những tác phẩm văn học giàu “chất điện ảnh”, nhà làm
phim có thể tìm thấy các gợi ý về hành động, cử chỉ, thái độ… của nhân vật
trên chính văn bản ngôn từ của nhà văn. Đối với những trường đoạn thể hiện
diễn biến nội tâm, suy tư thầm kín của nhân vật – mà chỉ ngôn từ văn học mới
miêu tả trực tiếp được, nhà biên kịch – đạo diễn sẽ phải sáng tạo các hình ảnh,
chi tiết… để làm hiện hình hóa những cảm xúc, suy tư đó. Ai đã từng đọc tiểu
thuyết Bệnh nhân người Anh cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên, xúc động khi xem
bộ phim cùng tên bởi tác phẩm đoạt giải Oscar này đã biểu hiện một cách tài
tình thế giới nội tâm riêng tư mà tác giả Michael Ondaatje đã sáng tạo nên. Ở
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
55
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
bộ phim Mê Thảo thời vang bóng, cuộc đàn hát không tiền khoáng hậu và
những chuyển động nội tâm dữ dội của các nhân vật mà Nguyễn Tuân miêu tả
trong Chùa Đàn cũng đã được đạo diễn Việt Linh chuyển tải rất thành công
lên màn ảnh qua âm thanh tiếng đàn, tiếng phách, qua lời ca “giã biệt” xót xa,
da diết của bài hát ca trù:
Trần ai tri kỷ luống ngậm ngùi đôi lứa sắp phân ly
Cõi nhân tâm dan díu nghiệp tơ tằm
Say cũng lụy, không say thời cũng lụy…
…Nợ nhân tình càng vướng càng đau
Yêu nhau, yêu mấy, yêu càng nát tan…
Thôi xin chàng về nơi núi mờ xa
Nhận em một lạy cho qua một đời…
Và đặc biệt là qua đôi mắt ngấn lệ, thăm thẳm, mênh mang của cô Tơ
(diễn viên Thúy Nga thủ vai) – “Đôi mắt cô long lanh ngấn lệ, nhưng nước
mắt cứ như tích tụ, mọng lên mãi mà không trào ra được, thể hiện một nội tâm
đang nát tan trước mạch sống cứ dần tắt đi trong từng khoảnh khắc nơi người
tình của mình” 8.
Đôi mắt đẫm lệ của cô Tơ trong cuộc hát
cuối phim Mê Thảo thời vang bóng.
8
Nguyễn Nam, Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo, liên văn bản trong văn chương và điện ảnh
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
56
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
Trong bộ phim Thời xa vắng, từ cái tâm lý ngượng ngùng, dằn dỗi, bực
bội đến tức giận, căm ghét của cậu bé Sài đối với “cô vợ người lớn” – từng
được nhà văn Lê Lựu diễn giải khá hài hước, thú vị mà chua chát qua giọng
điệu trần thuật của người kể chuyện biết tuốt trong tiểu thuyết Thời xa vắng –
nay lại được đạo diễn Hồ Quang Minh chuyển thể khá thuyết phục sang ngôn
ngữ điện ảnh, qua hàng loạt các hình ảnh, hành động của nhân vật. Đó là
gương mặt tức tối, khó chịu của cậu nhóc Sài mỗi lần nhìn thấy cô vợ và
gương mặt vui vẻ, hồn nhiên, thoải mái của cậu khi được trốn nhà, trốn mẹ,
trốn vợ… ra ngủ trên vó bè của ông Kiên. Đó là cảnh Sài và Tuyết mang xôi,
gà về biếu bố mẹ vợ nhân ngày xá tội vong nhân: qua đoạn đường có đông
người qua lại, đến đoạn đường vắng, Sài đưa mắt liếc nhìn xung quanh rồi đi
chậm dần, tụt lại phía sau vợ, chân bước lết từng bước một cách khó chịu; đến
gần cổng vào nhà Tuyết, nó mới sải dài bước hơn để bắt kịp vợ; vào nhà vợ,
sau khi đọc một hơi những câu đã học thuộc lòng, Sài xin phép về luôn và
không chờ đồng ý, nó quay gót, đi ra một cách hấp tấp như chạy trốn… Và
đặc biệt là trường đoạn miêu tả cảnh vợ chồng Sài trong buồng ngủ: Tuyết
nằm cong người trên chõng tre, quay mặt vào tường giả vờ ngủ - bị Bà Đồ đẩy
vào buồng với vợ, Sài liếc nhìn Tuyết – Tuyết lấy ngón tay vẽ vẽ lên chiếu
một cách vô thức – Sài ngồi đầu cúi gầm, suy ngẫm – nghe tiếng chân và tiếng
kẽo kẹt bên ngoài, Sài hướng mắt về phía cửa, thấy bà Đồ nằm trên chiếc
chõng tre áng trước cửa buồng – Sài quay vào trong, bước đến gần chõng, nơi
Tuyết nằm – Tuyết hơi đơ người, ngón tay bấu vào gối chờ đợi – Sài bước
một chân lên chõng, rồi hai chân… nhưng là để nhón chân với lấy cái nia tròn
to gác dưới mái nhà – Hình ảnh Tuyết nằm ngủ trên chõng, ở chân chõng, Sài
nằm co quắp trong cái nia, xoay lưng vào vợ… Chỉ qua những hình ảnh, hành
động ấy của nhân vật, người xem có thể hiểu rõ thái độ dứt khoát, quyết tâm
“không đội trời chung” với vợ của cậu nhóc Sài, đối nghịch với cái mong đợi,
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
57
Vấn đề chuyển thể tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh (từ góc nhìn tự sự)
khát khao thầm kín, nỗi niềm hồi hộp, chờ đợi chồng của Tuyết... Tất cả nỗi
niềm, cảnh ngộ hài hước mà xót xa của cặp vợ chồng “cộc lệch” hiển hiện rõ
qua những hình ảnh “biết nói” ấy của nghệ thuật điện ảnh. Có thể thấy, các
yếu tố của ngôn ngữ điện ảnh: hình ảnh thị giác, âm thanh (thoại, âm nhạc),
montage (dựng phim) cũng có khả năng biểu hiện thế giới nội tâm nhân vật vô
cùng tinh tế, sâu sắc.
Không chỉ chuyển đổi phương pháp miêu tả nhân vật từ ngôn từ văn
học sang ngôn ngữ hình ảnh thị giác của điện ảnh, trong quá trình chuyển thể
tiểu thuyết thành phim, nhà làm phim chuyển thể còn có những cải biên, bổ
sung về hệ thống nhân vật, tính cách nhân vật… cho phù hợp với đặc trưng
riêng của nghệ thuật điện ảnh.
2.3.2. Tiếp thu, bổ sung, cải biên về hệ thống nhân vật
Cùng với đường dây chính của cốt truyện, nhân vật chính luôn là yếu tố
tự sự hàng đầu mà nhà làm phim chuyển thể cần tiếp thu, cần “giữ lại” từ tác
phẩm văn học gốc – bởi, nhân vật chính và đường dây cốt truyện chính là
những yếu tố tự sự căn bản, cốt lõi nhất của tác phẩm văn xuôi tự sự nói riêng
và của một tác phẩm tự sự nói chung. Nhân vật chính và những hành động của
nó; mối quan hệ với các nhân vật khác xung quanh nó; những mâu thuẫn,
xung đột, biến cố mà nó phải trải qua… tạo nên đường dây chính của cốt
truyện. Thay đổi, lược bỏ nhân vật chính (của tác phẩm văn học gốc) đồng
nghĩa với việc thay đổi nội dung cốt truyện của tác phẩm. Khi ấy, bộ phim
chuyển thể không chỉ làm thay đổi toàn bộ những tự sự cốt lõi của nguyên tác
mà chắc chắn nó cũng sẽ “giã từ” các giá trị về chủ đề tư tưởng, thẩm mỹ của
tác phẩm gốc. Và như thế, không thể coi đó là phim chuyển thể từ tác phẩm
văn học được nữa. Bởi vậy, nhân vật chính sẽ luôn là yếu tố tự sự quan trọng
mà người chuyển thể cần tiếp thu từ tác phẩm văn học gốc. Phim chuyển thể
từ tiểu thuyết Forrest Gump không thể không có nhân vật Forrest Gump, phim
Đỗ Thị Ngọc Điệp – K51
58