Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.25 MB, 157 trang )
9
Trong nền sản xuất hàng hoá, qui luật giá trị là qui luật kinh tế cơ bản và
cạnh tranh lấy qui luật giá trị làm tiền đề. Tác động của qui luật giá trị
trong việc kích thích sự phát triển của lực lượng sản xuất, đào thải cái lạc
hậu dựa trên cơ sở công bằng - đó là sự trao đổi ngang giá. Trong điều
kiện đó, muốn có nhiều lợi nhuận các chủ thể kinh tế phải đua nhau đổi
mới khâu tổ chức quản lý (sản xuất, lưu thông phân phối), đua nhau cải
tiến kỹ thuật, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào sản
xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm hao phí lao động cá biệt nhằm
thu lợi nhuận cao hơn các chủ thể kinh tế khác.
Có thể nói, để thắng được trong cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị
phần buộc các quốc gia, các doanh nghiệp, các ngành sản xuất sản phẩm
phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình
1.1.2 Năng lực cạnh tranh
Trong môi trường cạnh tranh, từng chủ thể kinh tế thể hiện vị thế
của mình so với các chủ thể khác. Vị thế đó, dựa trên những ưu thế nhất
định về các điều kiện sản xuất và tiêu thụ hàng hoá. Sức cạnh tranh, khả
năng cạnh tranh, năng lực cạnh tranh đều phản ánh vị thế cạnh tranh của
các chủ thể kinh tế. Vị thế đó là những điều kiện để các chủ thể kinh tế
tham gia vào hoạt động cạnh tranh. Một chủ thể có sức cạnh tranh cao là
chủ thể có lợi thế, biết tạo ra những lợi thế để thu được lợi nhuận cao
hơn so với các chủ thể khác. Chủ thể đó cũng được coi là có khả năng
cạnh tranh hay năng lực cạnh tranh cao. Vì vậy, có thể hiểu sức cạnh
tranh, năng lực cạnh tranh, khả năng cạnh tranh là những khái niệm đồng
nghĩa. Để xác định năng lực cạnh tranh hoặc khả năng cạnh tranh hay
sức cạnh tranh của một ngành kinh tế, của một đơn vị kinh doanh hoặc
của một sản phẩm người ta thường chọn ra một số tiêu thức như: thị
phần, tỷ lệ lợi nhuận trong một đơn vị sản phẩm. Những tiêu thức này
10
chỉ đánh giá trạng thái “tĩnh” vị trí của ngành (doanh nghiệp hoặc sản
phẩm) trong một thời điểm, trong khi đó cạnh tranh là một quá trình
mang tính “động”, vì vậy khi phân tích cạnh tranh, người ta thường bổ
sung vào một số yếu tố “động” khác như mức độ ứng dụng tiến bộ khoa
học công nghệ vào sản xuất, vòng đời của sản phẩm v.v... Trên cơ sở
phân tích này, các nhà kinh doanh có thể đưa ra những chiến lược kinh
doanh phù hợp với thị trường để duy trì và phát huy vị thế của mình trên
thị trường hoặc đưa ra những biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Năng lực cạnh tranh được phân biệt ở ba cấp độ, bao gồm năng lực
cạnh tranh quốc gia; năng lực cạnh tranh doanh nghiệp; năng lực cạnh
tranh của sản phẩm, dịch vụ.
- Năng lực cạnh tranh quốc gia là một khái niệm phức hợp, được
định nghĩa là năng lực của một nền kinh tế đạt được tăng trưởng bền
vững, thu hút được đầu tư, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội, nâng cao đời
sống của người dân, chủ yếu nhờ khả năng nâng cấp công nghệ hoặc
bằng cách tự sáng tạo hoặc tiếp thu nhanh chóng và tích cực công nghệ
từ nước khác. [2,tr. 13-14]
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, tính cạnh tranh của một
quốc gia là “năng lực của nền kinh tế nhằm đạt và duy trì được mức tăng
trưởng cao" trên cơ sở các chính sách, thể chế vững bền tương đối và
các đặc trưng kinh tế khác. Theo WEF, khuôn khổ nội dung xác định
tính cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế bao gồm tám nhóm nhân tố: độ
mở cửa; chính phủ; tài chính; kết cầu hạ tầng; công nghệ; quản trị; lao
động; và thể chế. [2,tr.13-14]
Chỉ số chung đánh giá thứ hạng cạnh tranh của các quốc gia được
tính theo tỷ trọng của tám nhóm nhân tố trên. Mỗi nhóm nhân tố lại được
xem xét dựa trên các tiểu nhóm nhân tố. Tất cả có khoảng 250 chỉ số
11
định tính và định lượng được sử dụng để đánh giá tính cạnh tranh cấp
quốc gia. Tuy không được nhìn nhận riêng và thật đầy đủ trong quan
niệm của WEF, song sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng là một nhóm nhân tố
quan trọng đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Các chỉ số quan
trọng nhất được dùng để đánh giá sự ổn định kinh tế vĩ mô là lạm phát,
lãi suất, tỉ giá hối đoái, thâm hụt tài chính và thâm hụt cán cân thanh toán
quốc tế.
Kể từ giữa những năm 1980, cuộc cách mạng về công nghệ thông
tin (IT) và những bước đột phá trong một loạt lĩnh vực như công nghệ
gen, y học, năng lượng, vật liệu mới,...đang đẩy nhanh quá trình chuyển
đổi từ kỷ nguyên công nghiệp sang kỷ nguyên của kinh tế tri thức.
Ngày nay, lợi thế cạnh tranh truyền thống dựa trên tài nguyên thiên
nhiên và chi phí lao động thấp, tuy còn có giá trị, song mới chỉ là điểm
khởi đầu. Tri thức và kỹ năng đang trở thành một nhân tố then chốt đảm
bảo tính cạnh tranh cao.
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng vượt qua các
đối thủ cạnh tranh để duy trì và phát triển bản thân doanh nghiệp. Thông
thường, người ta đánh giá khả năng này thông qua các yếu tố nội tại của
doanh nghiệp như: qui mô; khả năng tham gia cạnh tranh và rút khỏi thị
trường; sản phẩm; năng lực quản lý; năng suất lao động; trình độ công
nghệ và lao động. Tuy nhiên, những khả năng này lại lại bị tác động
đồng thời bởi nhiều yếu tố bên ngoài như Nhà nước và các thể chế trung
gian.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được đo bằng khả năng duy
trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp trong môi
trường cạnh tranh trong và ngoài nước. Một doanh nghiệp có thể kinh
doanh một hay nhiều sản phẩm hàng hoá hoặc dịch vụ, vì vậy người ta
12
còn phân biệt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với năng lực cạnh
tranh của sản phẩm, dịch vụ.
- Năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ được đo bằng thị phần
của sản phẩm hay dịch vụ đó trên thị trường. Một sản phẩm, dịch vụ
được coi là có năng lực cạnh tranh cao khi giá thành sản xuất thấp, qui
mô cung ứng, tính độc đáo của sản phẩm và dịch vụ được người tiêu
dùng chấp nhận thể hiện ở thị phần của sản phẩm đó trên thị trường vượt
trội so với các sản phẩm tương tự của các đối thủ cạnh tranh. Đối với
hàng hoá nông sản thực phẩm, để đánh giá năng lực cạnh tranh ngoài các
chỉ tiêu trên người ta còn phải quan tâm đến các yếu tố như độ an toàn về
thực phẩm, xuất xứ, hương vị đặc trưng của sản phẩm.
Năng lực cạnh tranh của một sản phẩm, dịch vụ phụ thuộc vào lợi
thế so sánh của nó. Lợi thế so sánh lại được đánh giá theo nhiều tiêu thức
khác nhau. Quan niệm cổ điển đều xuất phát từ việc so sánh các yếu tố
cấu thành nên sản phẩm (vốn, lao động, nguyên liệu và vì vậy là chi phí,
giá thành và giá cả). Tuy nhiên, quan niệm về lợi thế so sánh hiện nay đã
có nhiều thay đổi.
Năng lực cạnh tranh ở ba cấp độ đó có mối quan hệ qua lại mật
thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau, chế định và phụ thuộc lẫn nhau.
Một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh quốc gia cao phải có nhiều doanh
nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, ngược lại để tạo điều kiện cho doanh
nghiệp có năng lực cạnh tranh, các điều kiện, tiền đề kinh doanh của nền
kinh tế phải thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Năng
lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện qua chiến lược kinh doanh của
doanh nghiệp, đồng thời thể hiện thông qua năng lực cạnh tranh của các
sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh. Ngược
13
lại, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ phụ thuộc vào năng lực
cạnh tranh quốc gia và năng lực tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm là khắc phục những
trở ngại làm giảm sức cạnh tranh và hoàn thiện những nhân tố làm tăng
tính trội của nó làm cho thị phần của nó tăng lên so với thị phần của đối
thủ của nó.
Để nâng cao được năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia, doanh nghiệp
và ngành sản xuất sản phẩm thường dựa vào lợi thế tuyệt đối, lợi thế so
sánh và lợi thế cạnh tranh.
Trong khuôn khổ của luận văn này tác giả xin chỉ đi sâu nghiên cứu
năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nền tảng để phân tích năng lực cạnh
tranh sản phẩm của một nước đối với các nước khác dựa trên lý thuyết
lợi thế tuyệt đối, lợi thế tương đối và lợi thế cạnh tranh
1.1.3 Cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh của hàng hoá
Mỗi đất nước chỉ có những nguồn lực nhất định, nguồn lực luôn
luôn gắn liền với sự khan hiếm. Để sản xuất hàng hoá hay cung cấp dịch
vụ nào đó với số lượng bao nhiêu, nhiều hay ít mỗi quốc gia phải có sự
lựa chọn sử dụng và phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý dựa trên cơ
sở lý thuyết đường giới hạn khả năng sản xuất. Xét dưới góc độ hiệu quả
kinh tế, đương nhiên các quốc gia sẽ lựa chọn sản xuất những sản phẩm
lợi thế so sánh cao nhất, thông qua trao đổi thương mại quốc tế họ sẽ tận
dụng và phát huy được các lợi thế sẵn có và tiết kiệm được nguồn lực,
nâng cao hiệu quả kinh tế.
Từ thế kỷ 18 các nhà kinh tế học người Anh là Adam Smith và
David Ricardo đã đưa ra lý thuyết về lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh.
Đến nay, lý thuyết này vẫn được coi là lý thuyết nền tảng của thương
mại quốc tế. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh được xem như là những
14
vấn đề có tính chiến lược và sách lược của từng quốc gia, để phát huy
các yếu tố về lợi thế tuyệt đối và so sánh trong việc nâng cao năng lực
cạnh tranh của quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất
khẩu trong mỗi quốc gia.
1.1.3.1 Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào lợi thế tuyệt đối
Lợi thế tuyệt đối là khái niệm chỉ sự trội hơn về lượng tuyệt đối của
nước này so với nước khác về một loại sản phẩm nào đó dựa trên chất
lượng của các nhân tố đầu vào của sản xuất tốt hơn. Các nhà kinh tế học
cổ điển đã cho rằng lợi thế tuyệt đối là cơ sở để các nước phát triển các
ngành sản xuất chuyên môn hoá. Theo quan điểm này, quốc gia nào nào
có đất tốt thì chuyên môn hoá vào ngành trồng trọt và mua hàng công
nghiệp của các quốc gia khác. Ngược lại, nước nào có nhiều tài nguyên
khoáng sản thì nên phát triển công nghiệp và mua nông sản của các nước
khác [10, tr.358].
Adam Smith cho rằng, ở mỗi một quốc gia đều có những nguồn lực
và tài nguyên sẵn có như: đội ngũ lao động, nguồn vốn, đất đai, công
nghệ và truyền thống sản xuất kinh doanh. Theo Ông, "Những lợi thế tự
nhiên mà một nước có được đối với một nước khác trong việc sản xuất
các mặt hàng nào đó đôi khi lớn tới mức mà mọi người trên thế giới đều
công nhận là phí công vô ích khi cạnh tranh với họ về mặt hàng này [23,
tr. 652-653].
Như vậy, sự chuyên môn hoá sản xuất và trao đổi sản phẩm dựa vào
lợi thế tuyệt đối sẽ đem lại lợi ích cho hai nước, do đó việc xác định
đúng những ngành, sản phẩm mà quốc gia có lợi thế tuyệt đối để khai
thác, sản xuất và xuất khẩu cũng góp phần quan trọng trong việc nâng
cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và cuối cùng là thúc đẩy
kinh tế phát triển.
15
Tuy nhiên, lợi dụng lợi thế tuyệt đối cũng chỉ là một trong những
vấn đề cần quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá và
thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá. Bởi vì lợi thế tuyệt đối chỉ mang tính tạm
thời. Lợi thế tuyệt đối chỉ giải thích được một phần của thương mại quốc
tế. Điều đó ngày càng được thể hiện rõ trong thực tế, có nhiều quốc gia
không có những thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên hay các nguồn lực
khác nhưng sản phẩm cùng loại của họ làm ra vẫn có sức cạnh tranh trên
thị trường thế giới nhờ những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ
làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm... Chính vì vậy mà
thương mại quốc tế trong các nước phát triển không thể được giải thích
chỉ bằng lý thuyết lợi thế tuyệt đối. Do sự hạn chế của lý thuyết về lợi
thế tuyệt đối và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế nên lý
thuyết lợi thế tương đối hay còn gọi lợi thế so sánh đã ra đời.
1.1.3.2 Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào lợi thế so sánh
Khác với lợi thế tuyệt đối nảy sinh từ sự khác biệt của giá thành và
chi phí sản xuất thực tế, lợi thế so sánh có được từ sự khác biệt về chi phí
cơ hội. Sự khác biệt về chi phí cơ hội là do các nước có sự khác nhau về
kỹ thuật công nghệ hoặc năng suất lao động trong việc sản xuất cùng
một loại sản phẩm.
Chi phí cơ hội của một mặt hàng là số lượng những mặt hàng khác
mà người ta phải từ bỏ để làm ra thêm một đơn vị mặt hàng đó
[5,tr.326]. Chi phí cơ hội cho ta biết chi phí tương đối để làm ra các mặt
hàng là khác nhau ở những nước khác nhau. Theo nhà kinh tế học David
Ricardo, nếu một quốc gia có hiệu quả thấp hơn so với quốc gia khác
trong việc sản xuất tất cả các loại sản phẩm thì quốc gia đó vẫn có thể
tham gia vào thương mại quốc tế để tạo ra lợi ích. Trong quá trình tham
gia thương mại quốc tế, quốc gia đó sẽ chuyên môn hoá sản xuất và xuất
16
khẩu các sản phẩm mà họ làm ra với chi phí tương đối thấp hơn so với
các nước khác [5,tr.327].
Song sự hạn chế ở mô hình David Ricardo là ông đã dựa trên hàng
loạt các giả thiết, đơn giản hoá lý thuyết về giá trị lao động, để chứng
minh cho qui luật này. Trên thực tế lao động không phải là đồng nhất,
những ngành khác nhau sẽ có cơ cấu lao động khác nhau, với mức lương
khác nhau. Hơn nữa hàng hoá làm ra không chỉ do lao động mà còn
nhiều yếu tố khác như đất, vốn, khoa học, công nghệ... chính là sự khác
biệt về nguồn lực giữa các nước, đồng thời mô hình Ricardo cũng bỏ qua
vai trò lợi thế về qui mô. Chính vì vậy lý thuyết này đã được nhiều nhà
kinh tế học nghiên cứu và phát triển trên nhiều mô hình về các yếu tố
chuyên biệt như quan điểm của G.Haberler và Heckscher- Ohlin ...về lợi
thế so sánh.
Tuy còn những hạn chế về lý luận trước thực tiễn phát triển phức
tạp của hoạt động thương mại quốc tế ngày nay, nhưng lý thuyết về lợi
thế tuyệt đối và tương đối vẫn đang chi phối động thái phát triển của
thương mại quốc tế. Các quốc gia đang mở rộng các mối quan hệ buôn
bán và trao đổi hàng hoá, dịch vụ với nhau, nhằm phát huy lợi thế về các
nguồn lực sản xuất như vốn, khoa học công nghệ, lao động để sản xuất,
xuất khẩu các loại hàng hoá, dịch vụ có lợi thế nhất, nhằm thu được lợi
ích thương mại cao nhất, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, cần phải
khai thác theo cả hai hướng. Hướng thứ nhất là, dựa vào lợi thế sẵn có
như lao động, tài nguyên, vị trí địa lý... Hướng thứ hai là, dựa vào các lợi
thế có được nhờ nâng cao năng lực trong việc tăng năng suất lao động,
cắt giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hợp lý hoá qui trình sản xuất.
Hướng thứ nhất có tính thụ động hơn và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn,
17
còn hướng thứ hai chủ động hơn và có tác dụng lâu dài hơn. Vì vậy,
muốn nâng cao năng lực cạnh tranh một cách bền vững cho hàng nông
sản xuất khẩu cần chú trọng nhiều hơn tới hướng thứ hai bằng cách tạo
môi trường thuận lợi để thúc đẩy các chủ thể sản xuất kinh doanh áp
dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất
lao động, tăng chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm.
1.1.3.3 Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên lợi thế cạnh tranh
Hội nhập và tự do hoá thương mại vừa tạo tiền đề cho sự phát triển
kinh tế, vừa là những thách thức trước sự cạnh tranh của các nền kinh tế.
Để đảm bảo sự hội nhập có hiệu quả, các quốc gia cần phải xác định rõ
được các yếu tố thuận lợi và bất lợi trong quá trình phát triển như: vị trí
địa lý; sự ổn định chính trị; nguồn lao động (số lượng, chất lượng và tiền
lương); tài nguyên thiên nhiên; khoa học và công nghệ... Đây là những
yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia nó i chung,
trong phát triển nông nghiệp nói riêng. Trên cơ sở xác định chính xác các
lợi thế, cần phối hợp, phát huy và sử dụng các lợi thế này một cách đầy
đủ nhằm tạo ra “lợi thế mới có sức tổng hợp cao”.
Trong kinh tế thị trường, khai thác lợi thế tuyệt đối và lợi thế so
sánh đã khó, nhưng khai thác lợi thế cạnh tranh càng khó hơn. Đương
nhiên, những yếu tố về lợi thế chi phí thấp là rất quan trọng và có tính
quyết định, song cũng chỉ mới là tiền đề của lợi thế cạnh tranh. Các
doanh nghiệp có thể có được lợi thế cạnh tranh nếu họ sử dụng các nhân
tố đầu vào cho sản xuất có chi phí thấp. Tuy nhiên, có những trường hợp
sự dồi dào về nhân tố sản xuất lại làm giảm lợi thế cạnh tranh nếu như
chúng không được phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Chẳng hạn,
sự dồi dào về tài nguyên thiên nhiên hay nguồn lao động lại có thể giảm
động lực phát minh, sáng chế công nghệ sử dụng tiết kiệm các nguồn tài
18
nguyên này. Lợi thế cạnh tranh có được là do tác động của con người tạo
ra và nó có tính bền vững hơn.
Như vậy, không phải lợi thế so sánh nào cũng trở thành lợi thế
cạnh tranh và cũng không có nghĩa lợi thế cạnh tranh nào cũng là lợi thế
so sánh. Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh không bao hàm lẫn nhau,
nhưng không đối lập nhau, mà có sự tác động qua lại, vừa là tiền đề vừa
là điều kiện cho nhau trong phát triển.
Ở cấp doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh được thể hiện ở chi phí thấp
hoặc ở tính chất độc đáo, phân biệt với các sản phẩm khác (bằng chất
lượng, tính năng sản phẩm, các dịch vụ sau bán hàng). Lợi thế cạnh tranh
của doanh nghiệp có thể xuất hiện ở bất kỳ khâu nào trong quá trình sản
xuất, kinh doanh bao gồm các hoạt động cơ bản (hoạt động cung ứng
đầu vào của sản xuất, hoạt động sản xuất, cung ứng đầu ra, tiếp thị, dịch
vụ sau bán hàng) và các hoạt động phụ trợ (cơ sở hạ tầng của doanh
nghiệp, quản lý nguồn nhân lực, phát triển công nghệ). Doanh nghiệp
phối hợp các hoạt động trên để tạo ra lợi thế về chi phí sản xuất hoặc tính
chất độc đáo của sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các
sản phẩm của mình.
1.1.4 Các nhân tố hình thành năng lực cạnh tranh của hàng
nông sản
Tính cạnh tranh của một sản phẩm trên thị trường phụ thuộc vào
hai nhóm nhân tố cơ bản đó là nhóm nhân tố chủ quan và nhóm nhân tố
khách quan.
Nhóm nhân tố chủ quan bao gồm tất cả những nhân tố tạo ra sự
hấp dẫn của sản phẩm đối với khách hàng như chất lượng, mẫu mã, giá
cả và sự thuận tiện trong tiêu dùng .v.v.
19
Nhóm nhân tố khách quan bao gồm những nhân tố làm thay đổi
quan hệ cung - cầu trên thị trường tại các thời điểm khác nhau, trong
nhóm này có cả những tác nhân ngẫu nhiên trong quá trình sản xuất như
thiên tai, mất mùa, sự khủng hoảng, khan hiếm về các nguồn đầu vào
cho sản xuất nào đó, sự thay đổi đột biến của công nghệ sản xuất và các
tác nhân dẫn đến thay đổi trong tiêu dùng (nhu cầu) của khách hàng về
một loại sản phẩm hàng hoá nào đó.
Việc nghiên cứu kỹ các nhân tố trong hai nhóm này trước khi đầu
tư sản xuất sẽ quyết định việc nhà sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm
có năng lực cạnh tranh cao hay thấp. Điều đó có nghĩa là năng lực cạnh
tranh của từng sản phẩm cụ thể tuỳ thuộc vào mức độ hiểu biết và dự
đoán của nhà sản xuất về thị trường sản phẩm đó. Đây chính là thách
thức đối với mỗi nhà sản xuất trong kinh tế thị trường, nếu sản xuất mà
không nghiên cứu thị trường thì có thể coi là hành vi sản xuất “liều lĩnh”
mang nhiều rủi ro, thiếu sự đảm bảo thành công.
1.2 CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA
HÀNG NÔNG SẢN
Năng lực cạnh tranh của một loại sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ
nào đó trên thị trường trong nước và quốc tế là sự thể hiện tính ưu việt
hay tính hơn hẳn của nó cả về định tính và định lượng với các chỉ tiêu
như: chất lượng sản phẩm, mức độ vệ sinh công nghiệp hay vệ sinh thực
phẩm; khối lượng; kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm; thương hiệu sản phẩm;
môi trường kinh tế vĩ mô, các chính sách thương mại, thuế, tỷ giá, tín
dụng, đầu tư, mức độ bảo hộ... và cuối cùng là chỉ tiêu về giá thành và
giá cả sản xuất.
Về mặt lý thuyết, để đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm
người ta thường căn cứ trên các chỉ tiêu định tính và định lượng.