1. Trang chủ >
  2. Thạc sĩ - Cao học >
  3. Khoa học xã hội >

CHƯƠNG 3 BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TRONG THƠ DƯƠNG THUẤN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.07 MB, 111 trang )


không xem xét trong mối quan hệ với ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thơ ca.

Giá trị thực sự của biểu tượng được xác lập không chỉ ở bình diện văn hóa nói

chung trong đời sống cộng đồng mà còn định hình và biến đổi trong sự điều

chỉnh, tiếp nhận của mỗi cá nhân, mỗi chủ thể.

Biểu tượng (symbol) là một thuật ngữ được nhiều ngành khoa học sử

dụng với những nội hàm khác nhau. Khởi nguyên, biểu tượng là một vật được

cắt làm đôi, mảnh sứ, gỗ hay kim loại. Hai người mỗi người giữ một phần,

chủ và khách, người cho vay và kẻ đi vay, hai kẻ hành hương, hai người sắp

chia tay nhau lâu dài… Sau này, ráp hai mảnh lại với nhau, họ sẽ nhận ra mối

thân tình xưa, món nợ cũ, tình bạn ngày trước. Biểu tượng chia ra và lại kết

lại với nhau như vậy nên nó chứa hai ý tưởng phân ly và tái hợp. Điều này

cũng có nghĩa mọi biểu tượng đều chứa đựng dấu hiệu bị đập vỡ ; ý nghĩa của

biểu tượng bộc lộ ra trong cái vừa là gãy vỡ vừa là nối kết những phần của nó

đã bị vỡ ra.

Sau này, khi khoa học về biểu tượng hình thành và phát triển, có rất nhiều

quan điểm khác nhau đưa ra nhằm lí giải về ý nghĩa của biểu tượng và vai trò

của nó trong đời sống con người. Dưới đây xin được dẫn một vài nhận định:

Theo phân tâm học Freud, biểu tượng diễn đạt một cách gián tiếp, bóng

gió và ít nhiều khó nhận ra, niềm ham muốn hay các xung đột. Biểu tượng là

mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành vi, một tư tưởng, một lời

nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng… Nhà nghiên cứu C.G. Jung thì cho rằng:

Biểu tượng là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất ta

mơ hồ nghi hoặc của tâm linh.

Các ý kiến trên đều ít nhiều có sự khác nhau song về cơ bản đều chỉ ra

rằng biểu tượng có hai mặt là cái biểu trưng và cái được biểu trưng. Từ đó,

một cách chung nhất, theo chúng tôi, có thể hiểu: biểu tượng là khái niệm

dùng để chỉ một thực thể bao gồm hai mặt: mặt tồn tại cảm tính trong hiện

60



thực khách quan hoặc trong sự tưởng tượng của con người (cái biểu trưng) và

mặt ý nghĩa có mối quan hệ nội tại, tất yếu với mặt tồn tại cảm tính đó nhưng

không bị rút gọn trong những đặc điểm bản thể của sự tồn tại này (cái được

biểu đạt).

Theo đó, Biểu tượng văn hóa là những thực thể vật chất hoặc tinh thần

(sự vật, hành động, ý niệm…) có khả năng biểu hiện những ý nghĩa rộng hơn

chính hình thức cảm tính của nó, tồn tại trong một tập hợp hệ thống đặc trưng

cho những nền văn hóa nhất định: nghi lễ, hành vi kiêng kị, thần linh… Biểu

tượng văn hóa là sự tồn tại ở bình diện phổ quát các biểu tượng phi trực quan.

3.2 Biểu tượng văn hóa trong thơ Dương Thuấn

Thơ Dương Thuấn dày đặc những hình ảnh mang hơi thở cuộc sống

miền núi. Viết về đề tài miền núi, Dương Thuấn đã chủ động thâu tóm thiên

nhiên, cảnh vật, phong tục tập quán đủ đầy và sinh động nhất. Người đọc thấy

hiện lên trong thơ ông hình ảnh thiên nhiên núi rừng với núi sông, mặt trăng,

mặt trời, gió ngàn, mưa rừng, thác lũ… hay con người, cảnh vật của cuộc

sống sinh hoạt và lao động hằng ngày cũng như những phong tục lễ hội, đời

sống tinh thần của cộng đồng. Cá biệt có những hình ảnh xuất hiện với tần số

cao, lặp đi lặp lại nhiều lần, khi đó chúng không còn là hình ảnh miêu tả đơn

thuần mà ẩn chứa nhiều dụng ý, tư tưởng của tác giả. Từ những hình ảnh tiêu

biểu cho quê hương nhà thơ đã nâng chúng trở thành biểu tượng văn hóa đặc

trưng cho những giá trị văn hóa dân tộc, bản làng quê ông. Trong phạm vi đề

tài nghiên cứu của luận văn, chúng tôi khảo sát kỹ hơn những hình ảnh – biểu

tượng văn hóa trong thơ Dương Thuấn: bản Hon, núi, sông, nước và trăng. Sở

dĩ có sự lựa chọn trên không chỉ vì những biểu tượng trên xuất hiện nhiều

trong thơ Dương Thuấn mà chúng còn là nhân chứng cho sự ra đi và trở về

với quê hương của tác giả.



61



3.2.1 Bản Hon

Bản Hon của dân tộc Tày - quê Dương Thuấn đã cho ông một suối

nguồn vô tận văn hóa Tày và ông luôn có ý thức phổ biến vẻ đẹp văn hóa ấy

trên thi đàn Việt và quốc tế. Từ “Hon” trong tiếng Tày có nghĩa là “mào”, ý

nói bản Hon toàn những người có mào. Theo tiếng Kinh thì đó là những

người có “máu mặt”, biết ăn nói và làm được việc. Có lẽ vì thế mà bản Hon

cũng giàu truyền thống văn hóa, phong tục hơn. Tâm thức văn hóa Tày luôn

nuôi dưỡng ông, cho ông một lộ trình thi ca, định dạng phong cách thơ ông –

vừa dân tộc lại vừa hiện đại. Hay nói đúng hơn, thơ Dương Thuấn đến với

hiện đại từ truyền thống. Trong quá trình sáng tạo, Dương Thuấn đã tôn vinh

được văn hóa Tày. Từ trong sâu thẳm văn hóa Tày là nguồn sữa mẹ nuôi

dưỡng tâm hồn nhà thơ và trở thành chất liệu cho ông sử dụng trong tác phẩm

của mình:

Bản Hon ở xa trên rẻo cao

Hà Nội lên đi xe một ngày

Qua mấy núi mấy đèo sẽ đến

Ở nhà sàn ăn nước sông Năng

Tới bản Hon ngồi trên mây

Những ngôi nhà sàn bốn mái

Ngói máng lên rêu xanh thẫm

Lên non đón khách xa thăm

(Về bản)

Những thi tập của Dương Thuấn đều có nguồn cội từ bản Hon – nơi

mạch nguồn nuôi dưỡng sáng tác cho ông. Bản Hon chiếm một số lượng lớn

những bài thơ hay trong tuyển tập của Dương Thuấn: 536/800 bài. Bản Hon

chính là bản của dân tộc Dương Thuấn, là quê hương miền núi máu thịt.

Trong hành trình sống của mình, nhà thơ hay trở về thăm quê để khi rời quê

62



hương ra đi nhiều lúc nhà thơ dừng lại để ngoái nhìn quê hương rồi lại đi tiếp.

Mỗi lần ngoái lại như thế là thêm một lần quê hương nạp cho ông thêm niềm

tin vào cội nguồn văn hóa dân tộc và tạo cảm hứng sáng tạo. Hành trình trở về

quê hương Dương Thuấn gọi là “đi ngược mặt trời” nhưng chính trong quá

trình đi ngược ấy, Dương Thuấn đã chạm được vào sâu thẳm nguồn mạch của

thi ca. Cái bản Hon của Dương Thuấn giờ đã trở thành một địa chỉ văn hóa.

Những trò chơi dân gian như ném còn, đánh cầu yến… đồng bào ông ai ai

cũng biết chơi, đối với nhà thơ chất liệu đó luôn là những gì thân thương chốn

quê nhà và đồng hành suốt trong hành trình sống luôn trong tiềm thức để dẫn

ông trở về bản Hon. Bản Hon là nơi lần đầu tiên Dương Thuấn nhìn thấy mặt

trời và cũng là chốn khởi đầu để ông được làm người, được làm thi sĩ: “Sải

dọc đo trời/ Sải ngang đo bể/ Bàn chân đi/ Bàn chân lại quay về”.

Từ quê hương Bắc Kạn, Dương Thuấn xuống đồng bằng đi nhiều nơi

và sang cả nước Mỹ tới đâu Dương Thuấn cũng nói về quê hương - bản Hon

mình bằng lối nói chân thật nhất. Quê hương đã cho ông một trữ lượng lớn tri

thức dân tộc để ông đủ tự tin khi nói về dân tộc Tày và non nước hữu tình Bắc

Kạn trong đó có ngôi nhà của ông ở bản Hon, bản Hon niềm tự hào của nhà

thơ. Kỉ niệm hai lần sang Mỹ thuyết trình về văn hóa Tày trong tiến trình hội

nhập, nhà thơ đã viết bài thơ Từ bản Hon đến Washington, ông tự hào nói:

Tôi – Đứa con của của bản Hon

Đứa con của dân tộc Tày

Tôi – Người con của Tự do

Công dân của nước Việt Nam độc lập

Tôi – Nhà thơ của hai thế ký

Thế kỉ hai mươi và thế kỷ hai mốt

Những ngày ở Mỹ chắc hẳn Dương Thuấn vẫn ngoái về bản Hon, vọng về

quê hương thân thương. Nhà thơ đã làm được một điều kì diệu trong đời mà tổ

63



tiên ông cha chưa làm được đó là vượt biển sang bên kia đại dương để nói về

truyền thống của văn hóa Tày trong thời đại hội nhập và phát triển. Đối với

Dương Thuấn mà nói, bản Hon - xứ sở của ông có một ý nghĩa cực kỳ quan

trọng. Xứ sở với ông không chỉ là nguồn cội mà còn mang một ý nghĩa nhân

bản: Nơi ông trở về thật với mình, sống hết mình, yêu hết mình, nơi khởi nguồn

của ngôn từ, của những giá trị làm nên chiều cao nhân cách của con người.

3.2.2 Núi

Qua tìm hiểu và khảo sát, chúng tôi thấy hình ảnh núi xuất hiện khá

nhiều trong các tập thơ của Dương Thuấn (có thể nói là nhiều nhất so với các

nhà thơ khác cùng chủ đề): 15 lần/33 bài trong tập Ði tìm bóng núi, 20 lần /52

bài trong tập Hát với sông Năng. Một nhà thơ Tày nổi tiếng viết về đề tài

miền núi là Y Phương nhưng số lượng các sáng tác về có “núi” trong thơ ông

có phần không dày đặc so với Dương Thuấn (20 bài/133 bài trong tập Thơ Y

Phương). Điều này chứng tỏ cảm xúc về núi của Dương Thuấn vô cùng dồi

dào và mãnh liệt.

Để thực hiện hành trình đi của mình, Dương Thuấn phải xa núi để ra

với biển vì vậy hình ảnh núi trở về trong thơ Dương Thuấn luôn điệp trùng nỗi

niềm, hồi ức. Nhà thơ như con chim của núi cao rừng thẳm luôn nhớ về tổ cũ

dù đã ra sông ra biển nhưng không nguôi nhớ ngọn nguồn. Núi là gốc gác, bản

chất mà suốt hành trình thơ và đời của Dương Thuấn, ông luôn đi tìm: “bóng

núi”. Bóng ở đây nên hiểu là gì? Bóng là phần ảo, phần mộng hay là phần hồn ,

phần tính? hay là cả hai? Đi tìm bóng núi là tên tập thơ xuất bản năm 1993 của

tác giả, toàn tập thơ là cuộc hành trình đi tìm cái đã xa, đã vuột khỏi tầm tay.

Nhà thơ Dương Thuấn từng tâm sự: hành trình đi tìm bóng “bóng núi” của ông

chính là hành trình tìm lại chính mình. Giã từ xứ núi, nghìn lạy mẹ, mẹ đẩy con

xuống thác, con đi, giữa dòng đời, con lang thang, buồn nhớ đi tìm bóng núi

ngày xưa. Đi tìm bóng núi là trở về ngọn nguồn dân tộc, trở về với bản sắc dân

64



tộc mình. Với Dương Thuấn, đi xa chính là trở về. Trở về để giữ lấy hồn vía

của quê hương, để làm giàu nội lực cho thơ. Núi là bản quán, gốc gác của nhà

thơ, là niềm tự hào, là tuyên ngôn nghệ thuật của ông:

Ta là chàng trai của núi

Ta chỉ biết nói lời cho quả sai

Núi trở thành nền tảng văn hóa vững chắc làm nên hồn thơ Dương

Thuấn. Ý thức mình là con của núi rừng càng khiến thơ Dương Thuấn có sức

neo trong tâm trí của người đọc nhiều hơn. Bởi chỉ cần một chút pha giọng

Dương Thuấn sẽ đánh mất cái bản chất “núi” của mình. Hình ảnh “bóng núi”

còn xuất hiện trong bài thơ tình nổi tiếng – một trong những thi phẩm làm

rạng danh nhà thơ:

Bây giờ ngựa về tàu khác

Một mình anh ôm câu hát

Đi tìm bóng núi ngày xưa



Bây giờ em đã theo chồng

Lên núi phát nương tra lúa

(Đi tìm bóng núi)

Cả bài thơ là tình yêu tuyệt vọng trong lặng câm. Suốt chiều dài tác

phẩm chỉ có chàng trai với trái tim nhức nhối yêu thương đang ôm chặt mối tình

si đã đi vào hoài niệm. Có một chữ “núi” ở đầu bài thơ và một chữ “núi” khi sắp

kết thúc bài đủ để bạn đọc vỡ lẽ “bóng núi” ở đây là ai. “Bóng núi” không chỉ là

bóng người thương cũ mà còn là cả một thế giới nội cảm, một cõi riêng mà chỉ

cần thêm một mình em nữa là anh đủ đầy. Một chữ “núi” làm tan nát một trái

tim, ngọn núi ấy giờ đã quá xa chỉ còn dành lại cho anh xót xa với cuộc đời. Từ

chất liệu núi của thiên nhiên qua lăng kính chủ quan của nhà thơ đã tạo nên một

biểu tượng núi tình. Bóng núi cũng là bóng hình, là bóng em vậy.

65



Nhà thơ Dương Thuấn rất tài tình với những khúc ca “Buộc hồn của núi

với hồn ai”. Ai đã đọc thơ ông rồi sẽ thấy yêu hơn cuộc sống thực tại, yêu cõi

nhân gian và cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương ông mà không muốn trở về.

Mỗi vần thơ đều có sức gợi nhiều liên tưởng. Một ngọn núi có tên là núi Cơm

Chiều mà khơi gợi cả một miền ký ức dân tộc ông và nhân loại thuở xa xưa:

Núi Cơm Chiều cái tên mà như thế

Hay là ngày xưa chưa có đồng hồ

Ông bà nhìn bóng núi để thổi cơm…

(Núi Cơm Chiều)

Núi non ở đâu dữ dội chả biết, núi non trong thơ Dương Thuấn luôn

đẹp một cách thánh thiện dù ở đó còn lắm đói nghèo, thiệt thòi:

Quê tôi núi ngàn mênh mông và cao rộng

Sáng sớm mây trời bay trắng lòng thung

Chiều về từng đàn mây vờn nhau trên cỏ…

Núi quấn quyện, bao bọc cuộc sống của người dân vùng cao: Nhà tôi

dựng ở bên sông/ Buớc ra khỏi cửa là nhìn thấy núi. Cái hoang sơ, hùng vĩ

của thiên nhiên núi rừng thể hiện rõ nhất qua những ngọn núi sừng sững đồng

thời sức mạnh của con người nơi đây cũng được ví với sức lớn lao, to cao của

núi. Người con của núi rừng khi sinh ra được tắm nước sông, nước suối lớn

lên ra đi thực hiện hoài bão được núi non chở che, ngóng chờ:

Thế rồi núi không còn mọc

Thế rồi chim phượng chẳng bay về

Còn chúng tôi dần dần khôn lớn

Núi Chẻ Dạ ngóng lớp lớp người ra đi….

(Núi Chẻ Dạ)

Lớp lớp người bản Hon ra đi vì chí hướng, sự vật biến thiên, thời gian

trôi chảy chỉ có núi Chẻ Dạ là còn đó, sừng sững như một nhân chứng thời

66



gian sau bao năm tháng dài mong ngóng mỏi mòn đứa con quê hương trở về.

Núi Chẻ Dạ hay chính là tình cảm của những người ở lại, của cảnh vật, thiên

nhiên quê hương hằng dõi theo mỗi bước đường trưởng thành của mỗi người

con. Hình ảnh “Núi Chẻ Dạ ngóng lớp lớp người ra đi” như tạc vào thơ ca

hình bóng người cha, người mẹ già có tên gọi – Quê Hương luôn dõi theo, đợi

chờ đứa con mình xuống núi rồi sẽ quay về.

Núi gắn bó với người miền núi, mỗi lúc đi xa người ta lại tâm niệm một

điều “Dù đi đâu cũng quay đầu về núi”. Phải chăng đó là khởi nguồn cho ra

đi, hành hương và trở về:

Thuở bé tôi cứ tin

Sẽ có ngày núi mọc thêm một ngọn

Sẽ có ngày chim phuợng lại bay về

Tôi yêu chín mươi chín ngọn núi

Âm thầm tôi đợi một ngày kia

(Núi Rồng núi Phượng)

3.2.3 Sông

Dương Thuấn có duyên nợ gì với những dòng sông khi mà chiếm đến

hai trong số những tập thơ (gộp vào trong tuyển tập) của ông là thơ viết về

sông: Hát với sông Năng và Đêm sông yên lặng? Rừng núi – nơi bắt nguồn

của những con sông vì thế trong tâm thức người miền núi cách nghĩ về sông

có nét khác với với nếp nghĩ của người miền xuôi. Sông với họ là mạch

nguồn trong trẻo và quyết liệt chứ không đơn thuần là giao thông đi lại hay

phục vụ cho canh tác nông nghiệp. Đặc trưng nông nghiệp của người miền

núi không phải ở nơi cạnh sông hay những mảnh đất được bồi đắp từ phù sa

màu mỡ. Từ đó mà mỗi lần gặp sông, cách ứng xử với sông của họ cũng khác

các dân tộc ở vùng đồng bằng lưu vực các con sông hay duyên hải.



67



Với Dương Thuấn, dòng sông đã trở thành một tứ thơ ngầm. Chúng

không lộ diện trong mọi lúc mà có khi lặn thật sâu, lại có khi bất ngờ hiện ra ở

một miền đất lạ. Có nhiều dòng sông có tên có tuổi xuất hiện trong thơ Dương

Thuấn như: Sông Năng, sông Nậm Na, sông Hồng, sông Thương… rồi cả có

những con suối, có thác, hồ và sau này cả biển lớn nữa nhưng sông Năng vẫn

là hình ảnh có sức ám ảnh với nhà thơ nhất. Tác giả đã tâm sự: “Sông Năng là

dòng sông chảy qua bản Hon nơi tôi đã sinh ra, người bản Hon khi bắt đầu

tập đi cũng là lúc được luyện cho tập bơi, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được tắm

nước sông lúc lọt lòng, khi được hai tháng tuổi cha mẹ đã mang ra sông Năng

để làm quen với nước… cho nên người bản Hon chúng tôi dù nam hay nữ

cũng đều như vậy, biết đi cũng đồng thời với biết bơi. Và vì thế người quê tôi

có quan niệm, ai đã sinh ra ở bản Hon sẽ không bao giờ bị chết đuối cũng

như ở bản Hon sẽ không bao giờ có người chết đuối... Ai cũng chỉ tin một

điều, người bản Hon thì “Ngã xuống sông không thể bị nước cuốn trôi. Rơi

vào trong đống lửa không thể bị thiêu cháy”[50]

Những kỉ niệm và con sông Năng yêu dấu khi đã về công tác và sống ở

thành phố Hà Nội, nhà thơ vẫn giữ và không nguôi thương nhớ:

Ơi con sông dài như giấc ngủ của rừng

Bao khúc quanh co ghềnh thác ì ầm

Có chỗ lặng lờ cho bản làng soi bóng

Chị đi lấy chồng nơi khác vẫn nhớ dòng sông

Ví von dòng sông “dài như giấc ngủ của rừng” là một cách nói nghệ

thuật đầy ấn tượng gây cho độc giả sự ám ảnh tâm hồn như là dòng sông

Năng đã ám ảnh tâm hồn tác giả. Đến cả trong giấc mơ, nhà thơ cũng mơ thấy

tiếng sóng của dòng sông. Tình yêu với dòng sông quê hương của ông đi qua

bao tháng ngày cũng không hề vơi cạn, ông khao khát được trở về bên dòng

sông tuổi thơ ấy. Trên hành trình của ông, dòng sông càng tràn đầy, càng bồi

68



đắp cho tâm hồn nhà thơ những lớp phù sa màu mỡ để ông có những cái nhìn

soi chiếu về cuộc đời, nhân tình thế thái.

Nếu Hát với sông Năng là tình cảm nồng nàn với quê hương thì Đêm bên

dòng sông yên lặng lại trầm tĩnh hơn và tư duy ở tầng sâu hơn. Thơ viết về quê

hương của Dương Thuấn dày đặc những hình ảnh núi non, lễ hội, mùa màng,

hiếu hỉ, những phong tục tập quán của người Tày, những trăn trở của người dân

lao động miền núi, những hồi ức về tuổi thơ, về con người xứ Mây của chính

nhà thơ. Phải chăng Dương Thuấn chủ định xâu chuỗi tất cả những nỗi niềm

thương nhớ quê hương ấy trở thành một dòng sông yên tĩnh. “Dòng sông yên

lặng” trở thành dòng sông tư tưởng, một ẩn dụ trữ tình cho tình yêu quê hương.

Dòng sông làm lắng dịu lại những xô bồ của cuộc đời mà tác giả đã trải qua. Trở

về bên dòng sông là để nhà thơ gột rửa, thanh lọc lại tâm hồn sau bao bụi đường

đời. Nhìn vào những lần có hình ảnh sông trong thơ Dương Thuấn ta có thể thấy

nó giống một dòng sông trong tiềm thức của tác giả với dáng dấp của nàng thơ

nhưng lại gợi rất nhiều cảm hứng triết luận. Nhà thơ đã từng đối thoại với sông

bằng nhiều cách thức: hỏi sông, hát với sông, nhớ sông…Mà mỗi lần như thế lại

là một dịp giãi bày, tự vấn. Hát với sông Năng nhưng sông đã trở thành“em”,

thành kỉ niệm lặn vào “tôi” rồi lại cồn cào than thở. Rồi có lúc nằm bên sông lại

thấy sông yên lặng quá, trầm tĩnh và đáng sợ quá.

Tôi và em yêu nhau rồi xa quê

Bây giờ mỗi đêm nằm lại nghe tiếng sóng

Tiếng thác reo chui vào trong chăn thành giấc mơ…

(Hát với sông Năng)

Đêm nay nằm bên sông yên lặng

Không tiếng thác gầm như sông quê hương

Tôi ngẩng đầu nhìn sao, đếm: một, hai, ba…

Oan hồn trên kia, đầy trời không thể đếm…

(Đêm bên sông yên lặng)

69



Không phải hồn vía đã làm cho sông thiêng mà chính trái tim mình đập

thay những nhịp sóng, tiếng thác tạo nên dòng sông của đời người ! Không vẽ

sông bằng hình ảnh, bằng âm thanh, bằng hồn vía (Giật mình còn tưởng tiếng

ai gọi đò - Sông lấp, Trần Tế Xương) mà tạo sông bằng nhịp đập trái tim. Có

thể đó là một sự đổi mới của Dương Thuấn chăng?

Ở trên núi là nhân chứng của quê hương khi tiễn biệt nhà thơ ra đi đến

đây nước lại là hình ảnh quê hương mà ông nghĩ tới đầu tiên khi trở về (cả khi

trở về trong tâm tưởng và ngoài đời thực). Sông núi trở thành nỗi ám ảnh của

nhiều người đọc bởi nó không đơn thuần là những biểu tượng đẹp mà là một

cấu tứ khá thú vị trong lối thơ của các giả này. Núi sông không những gắn bó

với tuổi thơ của một người, với tuổi tác của một cộng đồng mà đã nhanh

chóng chuyển hoá thành hai nhân vật trữ tình luôn được nhắc đến. Hình ảnh

núi và nước đã trở thành vòng tay mẹ chở che, vỗ về cho đứa con của quê

hương: “Núi và sông mang tính khái quát cao hợp thành hình ảnh Đất Nước

trọn vẹn ấm áp nghĩa tình”[52]. Ngoài ra, núi còn tượng trưng cho sức mạnh

mẽ, hiên ngang trong tính cách của người miền núi còn sông là thể hiện cho

sự mềm mại, hiền hòa, lắng đọng trong tâm hồn con người. Núi và sông tạo

thành cặp đôi hình ảnh tượng trưng cho hai nét tính cách, tình cảm của nhà

thơ nói riêng và đồng bào ông nói chung.

3.2.4 Nước

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “những ý nghĩa tượng trưng

của nước có thể quy về quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện

thanh tẩy, trung tâm tái sinh”[9]. So với “sông”, “nước” rộng lớn hơn bao gồm

mọi dòng chảy như sông suối, thác, hồ, biển vì thế mà nước có ý nghĩa khái quát

hơn sông. Ở trên, chúng tôi mới chỉ trình bày “sông” với ý nghĩa biểu tượng cho

hình ảnh quê hương, có vai trò như người bạn tâm tình của tác giả. Ở đây, chúng

tôi sẽ nghiên cứu nước đặt trong sự đối sánh với “nước” trong quan niệm truyền

70



Xem Thêm
Tải bản đầy đủ (.pdf) (111 trang)

×