Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1011.23 KB, 120 trang )
63
trân trọng, lắng nghe “tiếng nói vô ngôn” của cây cỏ, tìm thấy nét văn hóa
“thật là Huế” trong tổng hợp và đa dạng của văn hóa đất nước từ khu vườn
An Hiên nổi tiếng (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi...). Và
đặc trưng văn hóa đẹp đẽ, đầy tính nhân văn của những khu vườn Huế thực
sự là một phát hiện mới mẻ, đầy giá trị văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc
Tường. Từ cái cổng có mái che rộng với vài cây ăn quả phía trước đến cái
“ngõ hạnh” nối dài vào sân hay ngôi nhà kín đáo cuối vườn đều ẩn tàng
những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái
cổng vườn là lẽ nhân hậu của con người, cái “ngõ hạnh” là lối kiến trúc đầy
trí tuệ mang đến cho con người “một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo rất
khó tả, một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi
của biển”, làm xao xuyến tâm hồn người. Và cả khu vườn là tổng hòa của tri
thức nông nghiệp, kiến trúc, hội hoạ... Tất cả đều tỏa sáng một thần thái yên
tĩnh và khoáng đạt. Chúng đem đến cho con người “sự tự do nội tâm” cùng
niềm hạnh phúc được sống đến tận cùng thiên nhiên, sự sống.
Huế trong ký văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường không giới hạn ở
những thành quách, lăng mộ, sông núi, hay những chuyện vua chúa hậu phi
chép dài dài trong những sách sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nhà
khảo cổ, nhà địa lý học hay sử học, nhưng là một nhà văn có kiến thức rất sâu
rộng về những lãnh vực đó; là một nhà văn, điều ông quan tâm là con người, và
với sự hiểu biết khoa học của mình ông đã dựng lại một diện mạo tâm hồn của
Huế xưa - điều mà không một nhà Huế học nào làm được. Khi nói về thành
Châu Hóa ngày xưa, ông không những cung cấp cho ta những kiến thức chính
xác về thời kỳ trứng nước của Huế, mà còn tái hiện lại những bước chân,
những dáng hình, ước mơ của người Huế ngày ấy, những người mà theo tác giả
đã thông qua cuộc sống của mình để thực hiện cuộc đấu tranh để khẳng định
văn hóa Việt trên vùng đất mới. Chính vì nhấn mạnh sự sinh thành của Huế
64
trong vận động lịch sử, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra tính cách sâu
thẳm của người Huế qua một phác đồ giản dị nhưng chính xác: Thiên nhiên nội tâm - xu hướng tâm linh. Ông có những phát hiện rất độc đáo với hệ ngũ
sắc Huế cùng với sự xuất hiện của màu tím mà ông cho là màu tạo nên sự dịu
êm của tâm hồn Huế; hệ ngũ âm Huế với nét buồn lưu luyến từ âm hưởng nhạc
nam; và cả cách ăn uống của người Huế, xưa nay đã nhiều người ca ngợi vì sự
thanh cảnh, thẩm mỹ và tinh tế, nhưng cũng chỉ có mình ông là phát hiện ra:
cách ăn của người Huế có đặc điểm là "trên cơ sở vật chất khiêm tốn, vẫn
chuyển tải những ý tưởng nhân văn sâu sắc". Vì vậy cho nên, theo ông, "nếu
chỉ chú ý về cái nghèo thì không thể nhìn thấy Huế".
Dòng sông Hương mang trong mình nó nét văn hoá đậm đà xứ Huế. Đó
có thể là một sắc tím Huế đã trở thành biểu tượng riêng của xứ này mà sắc tím
ấy có từ rất xưa, vốn là "màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh
chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện". Đấy
là sắc áo cưới của xứ Huế ngày xưa, trong những ngày nắng được đem ra phơi
và luôn in bóng trên mặt sông Hương trữ tình. Đó có thể là một đêm hội hoa
đăng những rằm tháng bảy với hàng trăm nghìn ngọn đèn bồng bềnh trên mặt
sông; là âm thanh của "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya"… Đó là giọng
hò dân gian cũng là tâm hồn người xứ Huế lan xa và âm vang khắp mặt sông.
Giả sử nếu không có mặt nước Hương giang thì dứt khoát không thể có những
điệu hò, nhịp hò ấy.
Ở tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, chất văn hóa truyền thống
đậm như một dòng chảy ẩn ngầm, trở thành hạt nhân chi phối, quyết định cái
nhìn của ông về thiên nhiên. Điều này thể hiện nhất quán trong quá trình sáng
tạo nghệ thuật của ông mà biểu hiện cụ thể là suốt quá trình thức nhận thiên
nhiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường không miêu tả nó như một cách để hưởng thụ
mà để chiêm nghiệm. Vì thế, những sắc màu khu vườn Huế, với ông, là cõi
65
đời ấm áp song cũng là không gian tâm tưởng của con người. Chúng thể hiện
mối quan hệ thống nhất giữa con người với thiên nhiên trong truyền thống
văn hóa, triết lý sâu xa của người phương Đông. Thế giới vườn của người
Huế đẫm chất văn hóa tâm linh. Trong tâm thức của họ, mảnh vườn là cánh
cổng mở vào thế giới vũ trụ, nơi họ có thể sống cuộc sống tâm linh thanh
khiết của mình. Từ chiếc bình phong trước sân, ngôi nhà ẩn mình dưới cây lá
cuối vườn đến lễ tạ ơn, lễ đeo tang cho cây... đều là sự hiện diện của thuyết
phong thủy, triết lý đạo Phật, quan niệm hòa hợp thiên nhiên trong hồn những
khu vườn Huế. Phong tục đeo tang cho cây khi người chủ vườn qua đời là
một ấn tượng đẹp trong tâm hồn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông cảm nhận ở
đó cái triết lý phương Đông ẩn sâu trong tâm thức người Huế, xúc động trước
tình cảm gắn bó thân thiết giữa con người với thiên nhiên. Và hơn hết, cảm
phục cái tâm ân nghĩa của con người Huế với thiên nhiên, cuộc đời.
Thiên nhiên còn đem đến cho Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều suy
nghiệm về thời gian. Cuộc biến ảo diệu kỳ của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
trong cuốn lịch vĩnh hằng của thiên nhiên viết trên cây cỏ đã khiến ông thức
nhận bao điều nghĩa lý. Trong đĩa hoa cuối đông được điểm xuyết bằng những
bông mai trắng bên nụ đào mới hé nơi phòng khách của bà Lan Hữu, Hoàng
Phủ Ngọc Tường cảm nhận “bóng dáng của mùa đông đang ra đi trong âm
vang xa xôi của mùa xuân sẽ về”. Từ tận cùng những rung động sâu xa của tâm
hồn, ông hiểu đó chính là cảm thức thời gian đang hiện diện trong tâm hồn
người đàn bà cao quí này. Nó không đơn giản là nhịp đếm bước thời gian. Nó
là “tất cả niềm cảm hứng tự do”, là cái nhìn hướng vọng của tâm hồn bà được
ấp ủ, nuôi dưỡng, “lặng lẽ qua bao nhiêu cái bi và cái hài, cái ảo và cái thực,
cái thiện và cái đẹp, giữa tháng năm đất nước đời người”.
Những bức tranh thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường
mang một nét Huế riêng, nhà văn rất có ý thức làm rõ nét đặc thù của không
66
gian xanh sâu của Huế. Viết về Thành phố và chim, Hoàng Phủ Ngọc Tường
đã từng kêu lên như thảng thốt ngạc nhiên "Chưa cần đến âm nhạc, Huế từ
trong tâm hồn nó đã mang sẵn một mêlôđy của riêng mình. Là thành phố
vườn, Huế tràn đầy âm do thiên nhiên ban cho: dàn đồng ca của ve sầu mùa
hè, tiếng hát trong và cao vút của ve kim như tiếng đàn viôlông mùa thu, lời
nỉ non của côn trùng trong những khu vườn mùa đông, và cả bốn mùa, ôi Huế
bốn mùa đầy tiếng chim". Trong mẩu bút ký Khói và mây, Hoàng Phủ Ngọc
Tường kỳ công tả một tiếng ve, một thứ âm thanh có lẽ trở thành của Huế mỗi
lúc mùa hạ trở về: "Khu vườn Nhà Chung trước mặt nhà tôi đầy tiếng ve. Ve
sầu kêu rất đúng giờ, cứ cách nhau vài tiếng thì lại dấy lên cùng một lúc như
một dàn nhạc giao hưởng, khiến cho mùa hè ở Huế có một âm thanh riêng.
Đến già nửa mùa hè thì ve sầu im tiếng nhường chỗ cho tiếng ve kim. Ve kim
kêu li ri như tiếng vĩ cầm, báo hiệu mùa thu sắp đến". Nhà văn khẳng định:
"Thật hiếm có thành phố nào mà tiếng ve lại xen lẫn với tiếng xe cộ như ở
Huế. Rõ ràng Huế là một thành phố vườn. Tôi có cái thú lên chơi ở những
khu vườn ngoại ô vào dịp đầu thu. Ở đó trong ngọn gió heo may lành lạnh, tôi
còn bắt gặp trên những thân cây trong vườn những chiếc vỏ khô của con ve
sầu. Mùa hè đã đi qua song trời đất còn để lại một chút dấu tích trên những
xác ve sầu".
Huế là một thành phố xanh, người Huế sống gần gũi, gắn liền với thiên
nhiên nên môi trường xanh ấy có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tìm hiểu
tính cách con người của vùng đất kinh kỳ cũ. Văn hóa vườn tiềm ẩn trong
cách sống, cách ăn uống và cả cách ứng xử của người Huế. Nét văn hóa ứng
xử đó đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện tinh tế qua một thể loại ngỡ
chỉ là ghi chép sự kiện. Nét văn hóa Huế in sâu trong những dòng chữ, câu
văn khi anh tìm thấy sự tương giao giữa người Huế và thiên nhiên. Theo
Hoàng Phủ Ngọc Tường: "Tưởng không cần nhiều hơn để nhận ra rằng có
67
bao nhiêu điều trong đời sống nội tâm của người Huế đã hình thành qua tình
bạn lâu dài với chim đến nỗi người ta đã mang theo tiếng chim vào âm nhạc
để cố gắng đạt tới nỗi lòng, như trong bài Lý qua đèo".
Viết về mối quan hệ thân thiết giữa thiên nhiên và con người, Hoàng
Phủ Ngọc Tường đã đơn cử một cách ứng xử đầy nghĩa tình của người Huế
với cây xanh. Theo anh: "Cho đến nay, người Huế vẫn còn duy trì một phong
tục cổ xưa về tình bạn cao quý đó. Khi người chủ vườn qua đời thì những
người già đem buộc băng tang vào những cây quý trong vườn để cây khỏi tàn
lụi theo, vì người ta tin rằng cây cũng vui buồn cùng với con người". Người
Huế quan tâm, chăm chút vườn "với tất cả ý thức văn hóa và đã nhận lại từ
cây cối những lời ngụ ngôn thầm lặng" (Hoa trái quanh tôi)…
Trong văn hóa ứng xử của người Huế có một tục tạ ơn đầy chất nhân
văn- đó là tục tạ ơn cây của những người làm vườn xưa. Nhà văn Hoàng Phủ
Ngọc Tường cung cấp cho người đọc một phong tục nhân hậu, thể hiện mối
quan hệ gắn bó giữa vườn cây và con người (Hoa trái quanh tôi). Nhân vật bà
Lan Hữu trong mẩu ký đã nhỏ nhẹ tâm sự: "Người làm vườn xưa có tục tạ ơn
cây. Cuối năm có cái lễ nhỏ, có hột nổ, pháo và ít giấy vàng bạc dán vào gốc
cây. Không phải thờ cúng thần thánh chỉ là mình đã nhận của nó nhiều thì trả
lại cho nó chút ít. Cô không làm như người ta, nhưng con người biết ơn cây là
phải". Có thể nói đó là cách ứng xử rất Huế.
Như tất cả những ai quan tâm đến môi trường thiên nhiên xứ Huế, lại là
nhà văn nhạy cảm với mối quan hệ giữa con người và môi trường, Hoàng Phủ
Ngọc Tường nhiều lần lên tiếng báo động về sự hủy hoại thiên nhiên trong
lành của Huế. Trong mẩu ký Thành phố và chim, Hoàng Phủ Ngọc Tường
luôn day dứt: "Bây giờ thì tất cả đã bay về phương trời nào không biết... Bây
giờ thành phố vắng bóng chim, hầu như chim chóc đã bỏ Huế mà đi. Nguồn
cơn ấy bởi vì đâu? ". Bằng nỗi trầm tư đầy tâm huyết người thi sĩ thiên nhiên
68
ấy đã lên tiếng đánh động về sự hủy hoại môi trường của vùng đất kinh kỳ cũ
và tìm giải pháp nhằm bảo vệ thiên nhiên vườn Huế, để một ngày nắng ấm
những cánh chim lại bay về - "những đàn cò hoàng hôn, lũ quạ mùa mít chín,
con chim ca cút kêu đò, con chim khách lẫn vườn cau, con chim chèo bẻo lẫn
cây măng vòi, và sau cùng, cả con chim bói cá sặc sỡ bay vù qua ký ức tuổi
thơ của tôi, mê hoặc như ảo ảnh" (Thành phố và chim).
Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân nhận định: "Ký Hoàng Phủ Ngọc
Tường có rất nhiều ánh lửa". Hẳn rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tiếp nhận
rất nhiều ánh lửa của đời sống và luôn giữ cho tâm hồn mình nồng ấm. Chất
lửa ấy là một phần tâm hồn của nhà văn. Niềm tin về cuộc sống của nhà văn
thật lớn lao. Giữa bao nhiêu thăng trầm cuộc sống, ông tin rằng "chim phượng
hoàng sẽ bay về núi cũ, bầy ong mật sẽ sống lại trên những hoa rừng nở đầy
thung lũng". Niềm tin ấy đã giúp ông vượt qua hết mọi trắc trở kiếp người, để
hôm nay Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường như một món quà tinh thần to
lớn ông dành cho cuộc đời.
Một nhà văn lớn phải là một nhà văn vượt ra khỏi giới hạn của văn học
vùng, văn học địa phương để trở thành nhà văn dân tộc và vươn đến ngưỡng
cửa thế giới. Tôi tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đạt được điều đó.
Nhưng dẫu sao vẫn cứ muốn dành Hoàng Phủ Ngọc Tường cho Huế, bởi từ
lâu nhà ông đã làm một mảnh hồn thân thuộc của Huế rồi. Xin được mượn
những câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo để hiểu thêm về "người thi sĩ thiên
nhiên":
Sao thèm một điệu gì xưa lắm
Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường
Có ai đó rót chiều vào chén ngọc
Huế dịu dàng xây bằng khói và sương.