Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.16 MB, 509 trang )
hay không đọc cuốn sách họ đang cầm.
Việc bạn có cố gắng tìm cách để giữ được
tỉnh táo hay không phần lớn phụ thuộc vào mục
đích đọc sách của bạn. Nếu bạn đọc để tìm lợi ích
như sự tiến bộ về mặt trí tuệ hay tinh thần, thì bạn
phải tỉnh táo. Điều đó có nghĩa là đọc càng tích
cực càng tốt, và bạn phải nỗ lực - sự nỗ lực mà
bạn hy vọng sẽ được đền đáp lại.
Những cuốn sách hay, dù là tiểu thuyết hay
không phải tiểu thuyết, cũng đáng được đọc như
vậy. Dùng một cuốn sách hay mà như một liều
thuốc ngủ rõ ràng là một sự lãnh phí. Ngủ gật hay
để đầu óc vẩn vơ trong suốt thời gian bạn định
dành cho việc đọc nhằm mở rộng hiểu biết, nghĩa
là bạn đã làm thất bại mục đích của chính mình.
Điều đáng buồn là mặc dù nhiều người có thể
phân biệt được sự khác nhau giữa lợi ích và giải trí
khi đọc sách nhưng vẫn không thể thực hiện được
kế hoạch đọc của mình. Lý do vì họ không biết
làm thế nào để tập trung đầu óc vào những việc
đang làm.
Bản chất của việc đọc tích
cực: Bốn câu hỏi cơ bản độc giả
phải hỏi
Trong những chương trước, chúng tôi đã thảo
luận kỹ việc đọc sách như thế nào là tích cực.
Chúng tôi đã nói đọc tích cực có hiệu quả hơn, và
đọc kiểm soát luôn luôn tích cực. Đó là một quá
trình đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nhưng chúng tôi chưa
đi vào trọng tâm của vấn đề khi chưa đưa ra một
quy định đơn giản của việc đọc tích cực. Đó là
trong khi đọc, bạn hãy đặt những câu hỏi mà
bản thân phải tự mình tìm cách trả lời.
Nhưng không phải là thích hỏi câu nào cũng
được. Nghệ thuật của việc đọc ở các cấp độ trên
sơ cấp thể hiện qua những câu hỏi đúng và có trật
tự. Có bốn câu hỏi chính bạn phải hỏi khi đọc bất
cứ cuốn sách nào.
1.TỔNG QUAN CUỐN SÁCH NÓI VỀ
ĐIỀU GÌ? Bạn phải cố gắng tìm ra chủ đề chính
của cuốn sách, và phương pháp tác giả phát triển
chủ đề này một cách nhất quán bằng việc phân
chia nó thành những chủ đề phụ quan trọng.
2.NHỮNG GÌ ĐƯỢC ĐỀ CẬP CHI TIẾT
VÀ ĐỀ CẬP NHƯ THẾ NÀO? Bạn phải cố
gắng tìm ra các ý chính, những điều khẳng định,
những luận cứ tạo nên thông điệp đặc biệt của tác
giả.
3.CUỐN SÁCH CÓ ĐÚNG KHÔNG,
ĐÚNG MỘT PHẦN HAY TOÀN BỘ? Bạn
không thể trả lời câu hỏi này nếu không trả lời hai
câu trên. Bạn phải biết tác giả nói gì trước khi
quyết định nó đúng hay không. Tuy nhiên, chỉ biết
suy nghĩ của tác giả thôi chưa đủ. Bạn cũng phải
tự mình quyết định nếu bạn đọc nghiêm túc và hiểu
cuốn sách đó.
4. Ý NGHĨA CỦA CUỐN SÁCH? Bạn phải
hỏi ý nghĩa của những thông tin mà cuốn sách
mang lại là gì? Tại sao tác giả cho rằng cần phải
biết những điều này? Bản thân bạn có cần phải
biết không? Và nếu cuốn sách không những cung
cấp thông tin mà còn mở mang kiến thức cho bạn
thì điều đó nghĩa là bạn cần đào sâu tìm tòi hơn
nữa bằng cách hỏi thêm sẽ có gì xảy ra tiếp theo,
tác giả còn có ngụ ý gì và đề xuất gì thêm.
Bốn câu hỏi trên là những nguyên tắc cơ bản
mà Phần hai cuốn sách này đặc biệt quan tâm.
Bạn đừng bao giờ quên việc đọc một cuốn sách ở
các cấp độ trên sơ cấp đều đòi hỏi bạn phải cố
gắng đặt câu hỏi và trả lời chúng một cách đầy đủ
nhất trong khả năng của bạn. Đó là lý do tại sao
luôn tồn tại sự khác biệt giữa độc giả khó tính, có
đòi hỏi cao với độc giả không biết đòi hỏi gì. Kiểu
độc giả thứ hai không đặt câu hỏi và không có câu
trả lời.
Bốn câu hỏi trên đã tóm lược nhiệm vụ tổng
thể mà một độc giả phải làm. Có thể áp dụng
chúng cho bất kỳ tài liệu đáng đọc nào, như một
cuốn sách, một bài báo, hay một mẩu quảng cáo.
Cấp độ đọc kiểm soát có khuynh hướng trả lời hai
câu hỏi đầu chính xác hơn hai câu hỏi sau. Nếu
bạn chưa trả lời hai câu hỏi sau, chưa có ý kiến gì
về tính đúng đắn của cuốn sách (một phần hay
toàn bộ) và ý nghĩa của nó, thì bạn chưa thể hoàn
thành trọn vẹn cấp độ đọc phân tích. Câu hỏi cuối
cùng (Ý nghĩa của cuốn sách là gì?) là câu hỏi
quan trọng nhất trong cấp độ đọc đồng chủ đề.
Tất nhiên là bạn phải trả lời ba câu hỏi đầu trước
khi cố gắng trả lời câu hỏi cuối.
Sẽ là chưa đủ nếu bạn chỉ biết nội dung của
bốn câu hỏi. Bạn phải nhớ đặt chúng trong khi
đọc. Thói quen này chính là biểu hiện của một độc
giả yêu cầu cao. Hơn nữa, bạn phải biết cách trả
lời chính xác. Khả năng mà bạn phải rèn luyện để
làm được điều này chính là Đọc sách như một
nghệ thuật.
Một người đọc một cuốn sách hay mà vẫn bị
ngủ quên chưa hẳn là vì họ không cố gắng, mà vì
họ không biết cách cố gắng như thế nào. Những
cuốn sách hay phải cao hơn tầm hiểu biết của bạn,
nếu không chúng sẽ không mang lại điều gì thú vị
đối với bạn. Và chính những cuốn sách này sẽ
khiến bạn phải suy nghĩ nếu bạn không cố gắng
vươn lên và đạt tới ngang tầm với chúng. Sự cố
gắng này không làm bạn mệt mỏi. Bạn chỉ mệt mỏi
vì thất vọng nếu cố gắng của bạn bị thất bại do
thiếu kỹ năng. Để tiếp tục đọc tích cực, bạn không
những phải có ý chí mà còn cần cả kỹ năng - nghệ
thuật giúp bạn nâng cao tầm vóc bằng cách nắm
bắt tất cả những gì mà ban đầu bạn cảm thấy vượt
quá tầm tay.
Làm thế nào để thực sự sở hữu
một cuốn sách?
Nếu bạn có thói quen đặt câu hỏi khi đang
đọc sách thì bạn là một độc giả giỏi hơn những
người không biết đặt câu hỏi. Nhưng như chúng
tôi đã nói, chỉ đặt câu hỏi không thôi chưa đủ. Bạn
phải cố gắng trả lời những câu hỏi đó. Mặc dù bạn
có thể hỏi và trả lời trong đầu, nhưng nếu bạn
dùng bút và giấy làm việc đó thì sẽ dễ dàng hơn.
Cây bút sẽ là dấu hiệu cho thấy sự tỉnh táo của
bạn trong khi đọc.
Có một câu nói cổ khuyên ta “hãy đọc những
ẩn ý đằng sau con chữ” để hiểu hết những gì sách
muốn nói. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn thuyết
phục bạn: “Hãy viết văn hàm ẩn”. Nếu không, bạn
khó có thể đọc sách hiệu quả.
Khi mua một cuốn sách, bạn đã thiết lập
quyền sở hữu với nó. Nhưng hành động mua thật
sự mới chỉ là khúc dạo đầu của việc sở hữu một
cuốn sách. Bạn chỉ sở hữu nó hoàn toàn khi bạn
biến nó thành một phần của bạn và bạn thành một
phần của nó - tức là bạn phải viết vào trong sách.
Tại sao việc đánh dấu vào một cuốn sách lại là
điều không thể thiếu khi đọc sách? Thứ nhất, nó
giúp bạn tỉnh táo hoàn toàn . Thứ hai, nếu đọc tích
cực, tức là bạn phải suy nghĩ, mà suy nghĩ thường
thể hiện ra bằng từ ngữ, lời nói, hay chữ viết.
Người nào nói anh ta biết mình nghĩ gì nhưng lại
không thể thể hiện ra thường là người không biết
mình nghĩ gì. Thứ ba, viết ra những phản ứng của
bạn giúp bạn nhớ những suy nghĩ của tác giả.
Hãy coi việc đọc một cuốn sách là cuộc đối
thoại giữa bạn và tác giả. Hãy cho rằng tác giả
hiểu biết về chủ đề cuốn sách nhiều hơn bạn, nếu
không bạn đâu cần mất thời gian đọc sách của
người đó. Nhưng hiểu là một sự vận hành theo hai
chiều: học viên phải tự hỏi mình và hỏi giáo viên.
Thậm chí, khi đã hiểu giáo viên nói gì, người học
phải sẵn sàng tranh luận với thấy. Đánh dấu vào
sách là một cách biểu hiện ý kiến tán thành hay
phản đối của bạn với tác giả. Đó chính là sự trân
trọng tối đa mà bạn dành cho tác giả.
Có nhiều cách đánh dấu vào sách một cách
thông minh và hiệu quả. Sau đây là một số cách
bạn có thể dùng:
1.GẠCH DƯỚI: Gạch dưới những điểm
chính, những nhận định quan trọng hay có sức
thuyết phục.
2.VẠCH NHỮNG ĐƯỜNG THẲNG
NGOÀI LỀ: Để nhấn mạnh những nhận định đã
được gạch dưới, hay chỉ rõ một đoạn quá dài
không gạch dưới được.
3. ĐÁNH DẤU SAO, HOA THỊ, HAY BẤT
CỨ DẤU GÌ BÊN LỀ: Hình thức này nên được
dùng cách quãng để nhấn mạnh mười, hay mười
hai nhận định hoặc đoạn văn quan trọng nhất trong
cuốn sách. Bạn có thể gấp góc những trang có
đánh dấu, hay ép một mảnh giấy vào giữa các
trang. Như thế, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể lấy
sách ra đọc và nhớ lại ngay những gì đã đọc bằng
cách mở ra trang bạn đã đánh dấu.
4. ĐÁNH SỐ BÊN LỀ: Để chỉ một loạt các ý
mà tác giả đã nêu trong quá trình hình thành lý lẽ.
5. ĐÁNH SỐ CỦA NHỮNG TRANG
KHÁC BÊN LỀ: Để chỉ ra những chỗ khác trong
cuốn sách có nhận định tương tự, hay những ý liên
quan hoặc đối lập với những ý đã được đánh dấu;
tập hợp các ý liên quan đến nhau nhưng nằm rải
rác trong cuón sách. Nhiều độc giả dùng ký hiệu
“Cf” để chỉ số của các trang khác có nghĩa là “so
sánh với” hay “đề cập tới”.
6.KHOANH TRÒN NHỮNG TỪ HAY
CỤM TỪ QUAN TRỌNG: Cách này tương tự
như cách gạch dưới.
7.VIẾT BÊN LỀ, Ở ĐẦU HAY CUỐI
TRANG: Để lưu lại các câu hỏi (và có thể cả câu
trả lời) mà đoạn văn đã gợi ra cho bạn; tóm tắt
một tranh luận phức tạp thành một câu đơn giản;
ghi lại một loạt những ý chính trong cả cuốn sách.
Những trang cuối có thể được dùng như một bảng
chú dẫn những luận điểm của tác giả theo thứ tự
xuất hiện trong sách.
Đối với những người chuyên đánh dấu sách thì
những trang áp bìa đầu một cuốn sách thường
quan trọng nhất. Một số người dùng các trang này
để làm nhãn sở hữu sách trông rất ấn tượng.
Nhưng điều đó chỉ thể hiện sự sở hữu về mặt tài
chính đối với cuốn sách. Những trang này nên
được dành để ghi lại những suy nghĩ của bạn. Sau
khi đọc xong cuốn sách và ghi lại những chú dẫn
của riêng bạn ở những trang cuối sách, hãy lật lại
trang đầu và cố tóm lược cuốn sách thành một cấu
trúc hợp nhất với một dàn ý cơ bản và theo trật tự
các phần. Chính bản tóm lược này là thước đo
mức độ hiểu, thể hiện sự sở hữu về mặt trí tuệ của
bạn đối với cuốn sách.
Ba kiểu ghi chú
Có ba kiểu ghi chú khác nhau khi đọc sách.
Bạn dùng loại nào tuỳ thuộc vào cấp độ mà bạn
đang đọc.
Khi đọc theo cấp độ kiểm soát, có thể bạn
không có thời gian để ghi chú trong sách vì đọc
kiểm soát luôn bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên,
khi đọc ở cấp độ này, bạn sẽ đặt những câu hỏi
quan trọng về cuốn sách, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn
ghi lại những câu trả lời ngay khi chúng vừa mới
xuất hiện trong đầu, mặc dù không phải lúc nào
bạn cũng tìm thấy câu trả lời.