Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.42 MB, 97 trang )
đóng góp của các tổ chức, tập thể, tư nhân cũng tăng lên đáng kể. Điều này đã góp
phần làm gia tăng số người tập thể dục thể thao thường xuyên (từ 12% dân số năm
2000 lên 17,4% năm 2004).
Đối với thể thao thành tích cao, sự tham gia của các thành phần kinh tế thể
hiện ở một số xu hướng chủ yếu sau đây:
+ Sự hình thành các cơ sở thể thao tư nhân và các doanh nghiệp thể thao: Các
cơ sở này đã được tư nhân và doanh nghiệp đầu tư khá tốt, có khả năng tổ chức
được các giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều cơ sở đã tham gia trực tiếp
vào quá trình đào tạo vận động viên như: CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Gạch
Đồng Tâm Long An; CLB Thành Long (Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty VST
(Nghệ An); Trung tâm Thể thao Bảo Long (Hà Tây); v.v. Bên cạnh đó, việc các tổ
chức kinh tế và tư nhân mở các trường thể thao thanh thiếu niên nghiệp dư, các
trường lớp năng khiếu thể thao (đơn môn và đa môn) cũng là một hiện tượng mới và
đang có xu hướng phát triển.
+ Sự hình thành các trung tâm thể thao của các đơn vị trong lực lượng vũ
trang và các doanh nghiệp nhà nước lớn (TCT 90, 91): Điển hình trong số này phải
kể đến các trung tâm thể thao của một số Quân khu của Bộ Quốc phòng, các trung
tâm thể thao khu vực I, II của Bộ Công an, Trung tâm thể dục thể thao của Nhà máy
Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Trung tâm thể thao Ngành Than (Quảng Ninh), v.v. Các
trung tâm này đều được xây dựng với quy mô lớn, có khả năng tổ chức các hoạt
động thi đấu đỉnh cao và đào tạo vận động viên cấp ngành, cấp quốc gia.
+ Sự tham gia của các cơ quan thông tin đại chúng vào việc tổ chức các giải
thể thao vô địch quốc gia, giải quốc tế từng môn: Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm có
hàng chục cơ quan thông tin đại chúng đứng ra làm chủ giải, điển hình là Giải Điền
kinh Cúp Báo Hà Nội mới, Giải Bóng bàn Cúp Báo Nhân dân, Giải Xe đạp Cúp
Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Giải Bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV, Giải
Bóng đá mini Cúp Báo Nhi đồng, Báo Thiếu niên tiền phong,... Nhờ lợi thế về
phương tiện tuyên truyền, các cơ quan thông tin đại chúng đã thu hút sự quan tâm
rộng rãi của nhân dân đối với các giải thể thao nêu trên cũng như dễ dàng huy động
kinh phí tổ chức, kinh phí giải thưởng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tổ
chức thi đấu.
+ Sự tham gia tài trợ của các tổ chức thể thao quốc tế và các doanh nghiệp tài
trợ ngày càng lớn cho các giải thể thao: Điển hình là các giải bóng đá (vô địch quốc
gia, cúp quốc gia, siêu cúp quốc gia, U21, U18, U16, thiếu niên nhi đồng…) đã thu
hút nguồn tài trợ rất lớn của các tổ chức thể thao quốc tế (FIFA, AFC, AFF…), các
công ty tiếp thị thể thao (Strata, VFD, AML…), các hãng sản xuất dụng cụ thể thao
(Nike, Adidas, Grandsport…) và các doanh nghiệp khác như Pepsi, Coca Cola,
69
Kodak, Kinh Đô, Euro Window, Agribank, v.v. Tổng kinh phí tài trợ lên hàng chục
tỷ đồng mỗi năm. Riêng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2001-2005 đã
huy động được trên 100 tỷ đồng từ các nguồn tài trợ để phục vụ hoạt động của Liên
đoàn.
- Hai là, đổi mới mô hình hoạt động của các cơ sở thể dục thể thao công lập.
Cả nước hiện có 4.244 cơ sở thể dục, thể thao công lập (gồm các trung tâm thể dục
thể thao đơn môn, đa môn, trung tâm văn hoá thông tin- thể thao, trường đào tạo và
các câu lạc bộ thể dục, thể thao công lập), trong đó có 11 cơ sở thuộc Trung ương
quản lý và 4.233 cơ sở do địa phương quản lý. Trong xu thế xã hội hoá, đã có sự
chuyển biến về nhận thức cũng như phương thức quản lý, tổ chức hoạt động của các
cơ sở này, theo hướng đa dạng hoá các loại hình hoạt động để khai thác có hiệu quả
cơ sở vật chất. Một số nơi đã mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp và tư nhân để
đầu tư khai thác các công trình thể thao. Nhưng nhìn chung, việc chuyển đổi các cơ
sở công lập sang mô hình sự nghiệp có thu hoặc cổ phần hoá, tư nhân hoá diễn ra
còn chậm chạp.
- Ba là, kiện toàn hoạt động của các tổ chức xã hội thể dục thể thao. Cùng
với Uỷ ban Olympic Việt Nam là tổ chức xã hội đại diện cho thể thao Việt Nam
trong phong trào Olympic quốc tế, hiện nay nước ta còn có 20 Liên đoàn, Hiệp hội
thể thao quốc gia. Đây là những tổ chức xã hội về thể dục, thể thao, hoạt động theo
nguyên tắc tự quản, chịu sự quản lý nhà nước về thể dục thể thao của Uỷ ban Thể
dục Thể thao. Trong những năm qua, chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của các
Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia ngày càng được hoàn thiện. Một số liên đoàn
đã dần tự chủ một phần về tài chính và đã có khả năng điều hành hầu hết các hoạt
động như Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền, Liên đoàn Quần vợt,…
Hệ quả tổng thể của những thành tựu nêu trên là rất tích cực trên nhiều mặt,
đáng chú ý là:
(1) Mở rộng và làm phong phú thêm hệ thống thi đấu thể dục, thể thao quần
chúng từ cơ sở tới cấp quốc gia, kích thích phong trào tập luyện và thi đấu thể thao
rộng khắp trong các đối tượng nhân dân.
(2) Góp phần nâng cao chất lượng thi đấu và thành tích thể thao; góp phần
phát hiện tài năng và đầu tư phát triển các môn thể thao mới, có triển vọng để tiếp
cận trình độ quốc tế.
(3) Từng bước tham gia có kết quả vào công tác đào tạo tài năng thể thao trẻ
trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
(4) Tạo thêm công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động, góp phần giảm
tỷ lệ thất nghiệp.
70
IV.2. Những vấn đề và nguyên nhân
Tuy đã đạt được những thành tựu trên đây, song việc thực hiện cơ chế xã hội
hoá cung ứng dịch vụ công ở nước ta trong thời gian qua đã làm nảy sinh nhiều vấn
đề, có thể tóm tắt sau đây:
- Một là, quá trình xã hội hoá trong các lĩnh vực diễn ra quá chậm chạp so với
tiềm năng và chỉ tiêu định hướng của Nghị quyết 90/CP. Sự chậm chạp này thể hiện
ở chỗ:
+ Việc sắp xếp, đổi mới cơ chế quản lý đối với các cơ sở công lập (các đơn vị
sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước) thuộc các lĩnh vực theo hướng xã hội hoá diễn ra
còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Mức độ cũng như tốc độ đầu tư phát triển hệ
thống các cơ sở công lập cung ứng dịch vụ công còn thấp so với nhu cầu.
+ Nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được huy động cho đầu tư phát triển
dịch vụ công còn rất hạn chế. Do vậy, hệ thống các cơ sở ngoài công lập phát triển
chưa mạnh, chưa đa dạng, số lượng chưa nhiều và quy mô nhỏ, chưa đảm bảo dịch
vụ công đến được với đông đảo người dân.
- Hai là, tình trạng hoạt động lộn xộn, tự phát, cạnh tranh thiếu lành mạnh,
chất lượng dịch vụ không bảo đảm,… diễn ra ở các cơ sở ngoài công lập là vấn đề
rất bức xúc. Tình trạng này xảy ra gắn liền với việc tư nhân được phép cung ứng
dịch vụ công. Vì mục đích lợi nhuận, tư nhân luôn có xu hướng đẩy giá dịch vụ lên
cao, đi kèm với nó là việc xác định giá, cước, phí dịch vụ một cách khá tuỳ tiện và
cơ chế tài chính, thu chi thiếu minh bạch, ảnh hưởng tiêu cực đến những người
hưởng dịch vụ. Việc thành lập các cơ sở ngoài công lập còn mang tính tự phát, thiếu
điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, thiếu chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo chất lượng dịch
vụ, dẫn đến tình trạng một số cơ sở không duy trì được quy mô ban đầu, thậm chí
phải giải thể. Tình trạng cạnh tranh, kinh doanh thiếu lành mạnh như cung ứng hàng
giả, hàng quá hạn dùng (dược phẩm), mua bằng, bán điểm (giáo dục và đào tạo),
kinh doanh văn hoá độc hại (văn hoá), hối lộ trọng tài, mua bán, cá độ trong thi đấu
(thể dục thể thao),... xảy ra khá phổ biến. Đây là những biểu hiện của tình trạng
“thương mại hoá” các lĩnh vực văn hoá- xã hội đã bị phê phán rất gay gắt trong
nhiều năm qua. Có thể nói rằng những tiêu cực xảy ra trong các lĩnh vực giáo dục và
đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao trong thời gian qua đã gây ra nhiều bức xúc
cho xã hội. Do đây là những lĩnh vực rất nhạy cảm, có ảnh hưởng đến đời sống của
đông đảo nhân dân, vì vậy những tiêu cực càng củng cố thêm những nhận thức sai
về xã hội hoá cung ứng dịch vụ công như đã phân tích trong Mục III Phần III. Đặc
biệt, có những vấn đề đã được bàn thảo ở nhiều diễn đàn khác nhau với sự tham gia
của các chuyên gia đầu ngành (thí dụ, về xã hội hoá giáo dục và đào tạo) nhằm tháo
gỡ những hạn chế và tiêu cực, tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế.
71
- Ba là, mức độ phát triển xã hội hoá cung ứng dịch vụ công không đồng đều
giữa các vùng, miền và giữa các lĩnh vực cụ thể, thậm chí không đồng đều giữa các
địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội như nhau. Thông thường, công tác xã hội
hoá phát triển mạnh ở những địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội thuận lợi như
các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế, còn ở các địa phương có điều kiện kém
thuận lợi như các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì công tác xã
hội hoá tiến triển chậm. Ngay cả ở các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội
ngang nhau, mức độ phát triển xã hội hoá cũng không đồng đều do hiệu quả khác
nhau của công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, sự không đồng đều
cũng xảy ra trong các hoạt động cụ thể của từng lĩnh vực. Thông thường, các hoạt
động dễ kiếm lợi nhuận thì xã hội hoá phát triển mạnh và ngược lại, việc xã hội hoá
các hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận thì rất kém phát triển.
- Bốn là, thực tế xã hội hoá cung ứng dịch vụ công ở nước ta đã diễn ra ở khá
nhiều lĩnh vực, ngoài bốn lĩnh vực đã nêu còn có các lĩnh vực như: giao thông vận
tải công cộng; khoa học và công nghệ; sự nghiệp môi trường (vệ sinh môi trường,
cấp, thoát nước,…); sự nghiệp xã hội (chăm sóc người già cô đơn, người tàn tật,
chăm sóc trẻ em, cơ sở cai nghiện,…); v.v. Trong thời gian qua, việc xã hội hoá các
lĩnh vực này đã đạt được một số thành tựu và có xu hướng ngày càng mở rộng,
nhưng đồng thời cũng bộc lộ không ít hạn chế. Trong khi đó, các chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước chưa mở rộng đến các lĩnh vực này. Điều ấy gây ra
“khoảng trống pháp lý” và sự không đồng đều của hoạt động xã hội hoá giữa các
lĩnh vực khác nhau.
- Năm là, những hạn chế trong thực hiện xã hội hoá còn thể hiện ở sự kém
hiệu quả trong cung ứng dịch vụ công của khu vực nhà nước (như phân tích trong
Mục II Phần II). Một trong những mục tiêu quan trọng của xã hội hoá cung ứng dịch
vụ công là nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công của Nhà nước, đáp ứng tốt nhu
cầu của nhân dân, tuy nhiên nhìn nhận một cách khách quan thì đến nay mục tiêu
này chưa đạt được. Hơn nữa, đến nay chưa thể có sự hợp tác và cạnh tranh giữa khu
vực nhà nước (các cơ sở công lập) và các khu vực ngoài nhà nước (các cơ sở ngoài
công lập) trong việc cung ứng dịch vụ công trên cơ sở bình đẳng, lành mạnh và hiệu
quả.
Tóm lại, những kết quả thực hiện chủ trương xã hội hoá cung ứng dịch vụ
công ở nước ta trong khoảng 10 năm qua là mang tính pha trộn, tuy nhiên nhìn
chung nó chưa đạt được như mục tiêu đề ra và kỳ vọng của đất nước. Có nhiều
nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tồn tại nêu trên, trong đó đáng chú ý là một số
nguyên nhân chủ yếu sau đây:
72
- Một là, nhận thức về xã hội hoá của các ngành, các cấp và người dân còn
nhiều mặt hạn chế, thậm chí còn có những biểu hiện lệch lạc, chưa thấy hết được
tính chất tất yếu và lợi ích lâu dài của công tác xã hội hoá, chưa nhìn nhận đúng vai
trò của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội trong việc tham gia cung ứng dịch
vụ công, còn định kiến với các cơ sở ngoài công lập. Nhận thức về xã hội hoá trong
xã hội chưa có sự thống nhất. Không ít người nghĩ rằng xã hội hoá đồng nghĩa với
tư nhân hoá. Một số người lại hiểu xã hội hoá chỉ có nghĩa là biện pháp tạm thời để
huy động sự đóng góp thêm về tài chính và phương tiện vật chất của nhân dân trong
lúc ngân sách nhà nước còn eo hẹp. Những người khác lại cho rằng xã hội hoá chỉ
thực hiện trong các cơ sở ngoài công lập cung ứng dịch vụ công, còn các cơ sở công
lập thì không cần thực hiện xã hội hoá. Bên cạnh đó, vẫn còn những quan điểm khác
nhau về một số vấn đề liên quan đến quan hệ sở hữu, phạm vi, mức độ, quy mô, loại
hình cơ sở xã hội hoá, liên quan đến đầu tư vốn, quản lý, lợi nhuận và phi lợi nhuận,
lợi ích kinh tế của các cá nhân tham gia xã hội hoá, v.v. Tư duy, thói quen bao cấp
vẫn còn khá phổ biến trong lãnh đạo các ngành, các cấp.
- Hai là, trong phần lớn thời gian thực hiện xã hội hoá vừa qua, các ngành
chưa có một quy hoạch tổng thể về phát triển xã hội hoá để định hướng và xác định
bước đi cụ thể phù hợp cho từng vùng, từng lĩnh vực, đề ra tầm nhìn chiến lược về
đổi mới các cơ sở công lập cung ứng dịch vụ công và phát triển các cơ sở cung ứng
dịch vụ công ngoài công lập,… Mặc dù chủ trương xã hội hoá đã được thực hiện từ
năm 1997 nhưng đến năm 2005, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết
05/2005/NQ-CP, một số ngành mới ban hành quy hoạch phát triển xã hội hoá trong
ngành mình14. Sự chậm trễ này là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tự
phát, sự không đồng đều trong thực hiện xã hội hoá, và một số vấn đề khác trong
công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý thực hiện xã hội hoá của các cấp, các ngành.
Mặt khác, việc phối hợp các mặt công tác giữa các cơ quan chức năng như kinh tế,
tài chính, ngân hàng, kế hoạch, đầu tư,... trong triển khai Nghị quyết 90/CP còn
thiếu đồng bộ dẫn đến chậm trễ trong thực hiện xã hội hoá.
- Ba là, môi trường pháp lý cho việc xã hội hoá và quản lý các hoạt động
cung ứng dịch vụ công ngoài công lập còn nhiều hạn chế. Một số chính sách xã hội
hoá chưa quy định rành mạch về sở hữu của các cơ sở ngoài công lập, chưa phân
biệt rõ sự khác biệt giữa các hoạt động có bản chất lợi nhuận và phi lợi nhuận của
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 20052010; Bộ Y tế ban hành Đề án phát triển xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân
dân; Bộ Văn hoá- Thông tin ban hành Quy hoạch phát triển xã hội hoá hoạt động văn hoá đến năm
2010; Uỷ ban Thể dục Thể thao ban hành Đề án phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến năm
2010; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề đến
năm 2010.
14
73
các cơ sở cung ứng dịch vụ công. Hệ thống các văn bản pháp quy chậm được các
Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, phổ biến; những quy chuẩn về các mô hình bán
công, dân lập, tư thục, quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở ngoài công lập
còn chậm được ban hành và chưa đồng bộ, nên kém hấp dẫn người sử dụng. Còn
chồng chéo giữa hướng dẫn luật đầu tư và luật chuyên ngành. Giữa thẩm quyền cấp
phép đầu tư và trách nhiệm quản lý chuyên ngành chưa có quy định thống nhất và
phối hợp chưa tốt, dẫn đến tình trạng lỏng lẻo, có những kẽ hở dễ nảy sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó, hiệu lực thực thi của một số chính sách liên quan đến xã hội
hoá chưa cao. Các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, cơ sở vật chất, nguồn
nhân lực dành cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá (theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP)
ít phát huy tác dụng, do các đối tượng được hưởng ưu đãi còn hẹp, mức độ ưu đãi
thấp, thủ tục rườm rà, sự chậm trễ trong hướng dẫn thực hiện,… Cơ chế hỗ trợ
nguồn lực của Nhà nước cho các đơn vị ngoài công lập chưa được thể chế hoá đầy
đủ thành những quy định cụ thể, chưa được thực hiện đồng đều ở các địa phương và
có địa phương chưa quan tâm đúng mức. Hơn nữa, một số chính sách cụ thể đã tỏ ra
không còn phù hợp khi nhiều chính sách chung đã thay đổi theo thời gian. Những
hạn chế trên được thể hiện ở một số điểm sau đây:
+ Chính sách về đất đai và cơ sở vật chất:
Nhìn chung, xã hội rất đồng tình với chính sách đất đai của Chính phủ đối
với các cơ sở ngoài công lập cung ứng dịch vụ công; tuy nhiên, việc thực hiện còn
phụ thuộc vào quỹ đất của địa phương, nên phạm vi tác dụng của chính sách còn
hẹp. Ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh việc các cơ sở
ngoài công lập xin được giao đất là rất khó khăn, việc ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ
tầng của Nhà nước chưa thực hiện được; có những đơn vị vốn đầu tư phát triển lớn
(thí dụ các trường đại học) nhưng không được giao đất xây dựng nên vẫn phải đi
thuê trường sở. Có cơ sở phải thuê đất dài hạn giá cao của tư nhân. Một số tư nhân,
tập thể có nhà đất cho các cơ sở ngoài công lập thuê vẫn chưa được hưởng đầy đủ
quyền lợi ưu tiên về thuế theo Nghị định 73.
+ Chính sách về phí và lệ phí:
Nhược điểm lớn nhất của chính sách học phí được thực hiện trong thời gian
qua là chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chưa tạo điều kiện
để thực hiện “lá lành đùm lá rách”, vùng giàu giúp vùng nghèo, người giàu giúp
người nghèo.
Biểu giá thu viện phí không còn phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội hiện
nay. Chế độ thu viện phí chưa khuyến khích người bệnh đến khám chữa bệnh ở
tuyến dưới, tuyến cơ sở. Chưa thực hiện được phương châm thu đúng thu đủ của
74
những người có khả năng chi trả, miễn giảm viện phí cho người nghèo, người sống
tại các vùng có nhiều khó khăn.
Phí, lệ phí của ngành văn hoá, thể dục thể thao được điều chỉnh bởi nhu cầu
hưởng thụ của xã hội. Nhưng nhìn chung, giá dịch vụ và sản phẩm văn hoá, thể dục
thể thao còn cao so với mặt bằng thu nhập của toàn xã hội.
Trong việc thực hiện chính sách phí và lệ phí, vừa có tình trạng chưa thu
đúng, thu đủ, lại vừa có tình trạng tự đặt ra những khoản thu ngoài quy định, lạm
thu, cơ chế sử dụng không minh bạch, sử dụng không hiệu quả, gây bất bình trong
dư luận xã hội.
+ Chính sách về thuế, tín dụng, huy động vốn và đầu tư của Nhà nước:
Về chính sách thuế, các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi còn hẹp, mức
độ ưu đãi thấp, mức thuế suất ở từng địa bàn còn quá cao nên tác dụng khuyến khích
và thúc đẩy xã hội hoá chưa cao. Có nơi, có lúc, cán bộ thuế địa phương vẫn yêu cầu
các cơ sở ngoài công lập nộp những khoản thuế đã được miễn theo quy định của
Nhà nước.
Về tín dụng, việc thực hiện chính sách ưu đãi phụ thuộc vào quyền của các
ngân hàng, do vậy không phải tất cả các cơ sở ngoài công lập đều có thể được vay
tiền khi cần thiết; vẫn còn những ý kiến phản ánh về sự phiền hà, khó khăn khi vay
tiền.
Về huy động vốn, việc nhân dân góp cổ phần xây dựng trường đã được Nghị
quyết 90 đề cập đến nhưng chưa được cụ thể hoá trong Nghị định 73 và vản bản
hướng dẫn nên chỉ một vài nơi thực hiện được.
Về chính sách đầu tư của Nhà nước, nhìn chung đầu tư còn dàn trải, chưa tới
ngưỡng để tạo bước phát triển cơ bản, hiệu quả thấp. Việc hỗ trợ của Nhà nước cho
các cơ sở ngoài công lập còn hạn chế cả về cơ chế chính sách cả về nguồn lực thực
tế. Chủ trương chuyển một số cơ sở công lập sang bán công và dân lập là một
phương thức đầu tư ban đầu của Nhà nước vẫn chưa thực hiện được do chưa có cơ
chế cho việc chuyển đổi này.
+ Chính sách nhân lực:
Về chính sách nhân lực, nhìn chung các Bộ ngành và địa phương chưa chăm
lo đào tạo, phát triển nhân lực ngoài công lập cả về số lượng, cơ cấu, trình độ nghề
nghiệp, phẩm chất đạo đức, thực hiện các chế độ chính sách... Điều đó dẫn đến sự
hẫng hụt về đội ngũ, yếu về trình độ và bộc lộ các tiêu cực. Mặt khác, cán bộ, nhân
viên của các cơ sở ngoài công lập chưa thật sự được bình đẳng như các cơ sở công
lập.
75
- Bốn là, việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với các cơ sở cung
ứng dịch vụ công ngoài công lập chưa chặt chẽ và chưa nghiêm. Công tác kiểm tra,
thanh tra có làm nhưng chưa được thường xuyên; việc kiểm tra, thanh tra chuyên
môn, tài chính chưa nghiêm túc; còn có sự nhầm lẫn giữa chức năng thanh tra chế
độ, chính sách và thanh tra chuyên môn. Công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu chỉ
chú trọng đến đối tượng hành nghề (các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công
lập) mà chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với chính các cơ quan quản lý nhà nước
trong việc thực hiện quản lý các cơ sở này. Sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra và
các cơ quan khác như công an, quản lý thị trường còn yếu, làm ảnh hưởng đến chất
lượng thanh tra. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở ngoài công lập
còn chưa nghiêm, xử sai, vượt quá thẩm quyền, không dứt khoát,… dẫn đến tình
trạng coi thường pháp luật hoặc kiện cáo kéo dài. Các bộ, ngành chức năng chưa có
bộ phận theo dõi, hướng dẫn và đánh giá việc thực hiện xã hội hoá của ngành mình,
làm cơ sở để trình Nhà nước các định hướng lớn trong phát triển xã hội hoá. Vì vậy,
các chủ trương, chính sách nhìn chung chậm được điều chỉnh để đáp ứng được yêu
cầu của thực tiễn.
76
PHẦN IV
CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ CUNG
ỨNG DỊCH VỤ CÔNG TRONG THỜI GIAN TỚI
I. “XÃ HỘI HÓA CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG” ĐẶT TRONG BỐI CẢNH
“ĐỔI MỚI CUNG ỨNG VÀ QUẢN LÝ DỊCH VỤ CÔNG”
Có thể nói rằng, xã hội hoá cung ứng dịch vụ công là một chủ trương lớn của
Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên nó chỉ là một bộ phận của công cuộc đổi mới và
phát triển dịch vụ công nói chung.
Xin nhắc lại khái niệm về dịch vụ công được đề cập trong cuốn sách này, đó
là “những hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội, do Nhà nước trực tiếp
đảm nhận hay uỷ quyền và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân thực hiện nhằm đảm
bảo lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội, và trật tự, công bằng xã hội”. Từng
loại dịch vụ công có những đặc điểm riêng, khoa học, nghiệp vụ riêng. Đảng và Nhà
nước ta đã dựa trên cơ sở nhận thức những đặc điểm riêng, vận dụng khoa học,
nghiệp vụ riêng của từng loại hình dịch vụ công để đề ra chủ trương chính sách,
biện pháp toàn diện về đổi mới và phát triển từng loại dịch vụ công. Ví dụ về giáo
dục và đào tạo, nghị quyết đại hội X của Đảng vạch rõ chủ trương tổng quát là:
“Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý,
nội dung, phương pháp dạy và học, thực hiện “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”,
chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”.
Riêng trong phạm vi cung ứng và quản lý dịch vụ công, thì việc đổi mới cung
ứng và quản lý dịch vụ công ở Việt Nam, giống như ở nhiều nước trên thế giới, là
cấp thiết, nhằm làm rõ vai trò, chức năng của Nhà nước nâng cao hiệu quả và chất
lượng dịch vụ công, phục vụ tốt hơn các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân,
đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và ổn định, công bằng xã hội, tạo nền
tảng và động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Xét trong bối
cảnh đổi mới tổng thể của nước ta kể từ năm 1986 đến nay, có thể nói rằng công
cuộc đổi mới cung ứng và quản lý dịch vụ công được thực hiện chậm hơn so với
công cuộc đổi mới kinh tế và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay là
giai đoạn cần đẩy nhanh đổi mới cung ứng và quản lý dịch vụ công, hỗ trợ và cộng
lực với đổi mới kinh tế và doanh nghiệp để tranh thủ cơ hội mới và vượt qua thách
thức khi hội nhập kinh tế quốc tế được nâng tầm cao hơn.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án “Đổi mới quản lý dịch vụ công”
để trình Chính phủ phê duyệt. Theo dự thảo Đề án này, mục tiêu đổi mới quản lý
dịch vụ công là “nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát
77
huy các nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công,
đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dân và cộng đồng”. Đề án đã đề
ra những quan điểm, nguyên tắc và phương hướng đổi mới quản lý dịch vụ công ở
nước ta như sau:
- Thứ nhất, quan điểm và nguyên tắc đổi mới:
+ Đổi mới quản lý dịch vụ công trên cơ sở nhận thức sâu sắc về nền hành
chính phục vụ; đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong đảm bảo cung ứng dịch vụ
công, thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của người dân và xã hội.
+ Đảm bảo công bằng xã hội, đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tối thiểu cho tất cả
mọi người, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú của
các tầng lớp nhân dân.
+ Phân biệt rõ tổ chức và hoạt động dịch vụ công với quản lý hành chính nhà
nước và quản lý sản xuất, kinh doanh. Xác lập cơ chế quản lý phù hợp với đặc điểm,
tính chất của mỗi loại hình.
+ Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư cho các dịch vụ công, nhưng không
bao cấp tràn lan. Tập trung ưu tiên đầu tư ngân sách cho các dịch vụ công trọng
điểm, phục vụ người nghèo, vùng sâu, vùng xa.
+ Đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ công, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã
hội tham gia cung ứng dịch vụ công, đa dạng hoá các chủ thể cung ứng dịch vụ
công.
+ Đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức cung ứng dịch
vụ công. Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và cung ứng dịch vụ công.
+ Xác định rõ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong quản lý và tổ chức
cung ứng dịch vụ công. Đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương các cấp.
+ Đảm bảo nguyên tắc không vì mục tiêu lợi nhuận trong hoạt động cung
ứng dịch vụ công, trước hết là đối với các cơ sở công lập.
- Thứ hai, phương hướng đổi mới:
+ Quan tâm thực hiện cuộc cải cách mạnh mẽ, cơ bản trong lĩnh vực dịch vụ
công, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và với sự chuyển đổi vai trò, chức năng
của Nhà nước.
+ Đổi mới hệ thống thể chế, chính sách về tổ chức và cung ứng dịch vụ công
trên cơ sở phân biệt và xác định rõ các loại dịch vụ công: dịch vụ công do Nhà nước
phải chịu trách nhiệm trực tiếp cung ứng; dịch vụ công mà Nhà nước hỗ trợ; dịch vụ
công có thể chuyển giao cho thị trường và xã hội.
78